TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 6
  • Hôm nay: 10
  • Tháng: 4372
  • Tổng truy cập: 5149636
Chi tiết bài viết

Cách mạng công nghiệp lần 4: Cần xây chứ không chỉ mơ!

Lời bàn : mọi cuộc cách mạng ,thay đổi  .. sáng tạo rốt  cùng cũng do con người nghĩ ra ,thực hiện ... không phải với một nhóm vài người mà cả xã hội là sản phẩm của vài  cái 1000 năm văn hóa ,kỹ thuật chính trị,pháp luật , tôn giáo v.v tức là cái kiến trúc thượng tầng xã hội .. Kinh nghiệm của cách mạng công nghiệp  1.0 2.0 rồi 3.0  400 năm qua từ máy hơi nước đến động cơ dầu mỏ ,từ máy tính đục lổ sang máy Pc  rồi laptop . cái khó là giái quyết bài toán xã hội con người chứ không phải là kỹ thuật .. 

Ô sáo ẩn sĩ 6.2018

 

Công nghiệp 4.0” và “cách mạng công nghiệp lần 4” đang trở thành từ khóa nóng. Rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng, rất nhiều cơ quan hữu quan ủng hộ. Nhưng đó là gì và chúng ta theo đuổi việc đó bằng cách nào là câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Con người là trung tâm

Hãy thử nghe “bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của nền kinh tế vật lý, kinh tế số, sinh học, dựa trên nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo” - Giám đốc điều hành Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng. “Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam” - Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng.

Cach mang cong nghiep lan 4: Can xay chu khong chi mo! - Anh 1

Theo GS.TS Vương Thanh Sơn (Đại học British Columbia, Vancouver, Canada) tiến trình của mỗi hệ thống thông minh theo mô hình 4.0, dựa trên Internet vạn vật (IOT), gồm 4 công đoạn như trên.

Có phải chỉ cần là nước thu nhập trung bình thấp và có nhiều vấn đề, chúng ta sẽ tiến lên công nghệ 4.0 nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ? Trong trùng trùng khí thế ấy, tự dưng tôi rùng mình nghĩ về đề án 112 mười năm trước. Đề án tin học hóa hành chính nhà nước này được xem là cứu tinh của một nền hành chính chồng chéo, nhiều cửa lớn và cửa hậu, nhiều khoảng hở cho tham nhũng và bất bình đẳng... với lắm tung hô và kỳ vọng. Đề án 112 kết thúc với 23 bị can bị khởi tố, gần 1.600 tỷ đồng đã được chi ra mà không đem lại kết quả gì.

Thực chất, 112 là một ý tưởng tốt, và xét cho cùng cho đến hiện nay, nó vẫn đang được thực hiện dưới hình thức khác. Nỗ lực tin học hóa các khâu trong thủ tục hành chính là một bước quan trọng của chính phủ điện tử, điều Việt Nam cố gắng thực hiện nhiều năm. Chuyển giao việc quản lý dữ liệu cho máy móc, tạo ra một hệ thống dọc thống nhất các chính sách và quy trình hành chính luôn là cách tốt để công việc hành chính nhà nước đi tốt hơn. Nhưng 112 đã thất bại, thậm chí, thất bại từ khởi đầu.

Vì nói như anh Trần Tất Hợp (cố Phó tổng biên tập Tạp chí Tin học & Đời sống và chuyên đề Thế giới số), “thứ tạo ra và làm việc cho hệ thống hành chính không phải là tin học, đó là con người, con người cán bộ. Dù có tin học hóa toàn bộ quy trình đó nhưng vẫn với nhân lực cũ và tư duy hành chính cũ thì chỉ là thay đổi khó khăn này bằng một khó khăn khác. Cái cần thay đổi chính là bản thân nền hành chính và tư duy con người trong làm việc cho nó”. Đó là lý do anh Hợp đã viết nhiều bài phản biện Đề án 112 ngay từ khi nó còn được truyền thông khen ngợi.

Câu chuyện có lặp lại sau mười năm? Không thể từ không khí, từ một nền thu nhập thấp và rất nhiều vấn đề cần giải quyết chỉ quơ tay để ra công nghiệp 4.0. Chúng ta vẫn còn đang lập nghiệp với tư duy khởi thủy, một di sản đầy rẫy vấn đề từ nghèo đói đến giáo dục, một khoảng cách xã hội đang ngày càng bị đào sâu và rộng giữa các tầng lớp, một hành lang pháp lý chưa bắt kịp các thay đổi và tiến bộ công nghệ đang tác động vào đời sống, một lớp nhân lực chưa đủ chín và người dùng còn đang loay hoay với các nhu cầu thiết thân của họ.

Hoạch định và xây dựng cần hơn khát vọng

Công nghiệp 4.0 là khái niệm đưa ra từ người Đức vào năm 2011, khi họ muốn chuyển mình lần nữa nền công nghiệp cơ khí vốn dĩ đã đồ sộ của mình. Công nghiệp 4.0 và cách mạng công nghiệp (CMCN) lần 4 đã bỏ lùi CMCN lần 1 từ cuối thế kỷ XVIII với máy hơi nước, lần 2 từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với máy móc chạy bằng điện có thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn và lần 3 từ thập niên 1970 đến gần đây với tự động hóa, máy tính và internet.

Chúng ta đã ở đâu trong lần CMCN lần 3 ấy, khi các nhà máy còn đắp chiếu, khi công nghiệp phụ trợ còn đang loay hoay định hình và thậm chí một nền sản xuất còn phải dựa nhiều trên nhân công giá rẻ chứ chưa thể thay thế bằng máy móc chính xác tự động hóa. Khi mới ở đầu con đường CMCN lần 3, chúng ta đã nói về công nghiệp 4.0 như một điều rất gần.

Cứ cho là chúng ta sẽ đi tắt đón đầu, vươn lên với khát vọng từ sự thiếu hụt như đã nói. Giáo sư Hồ Tú Bảo, phụ trách phòng thí nghiệm về khoa học dữ liệu tại Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản (Japan Advanced Institute of Science and Technology) đã nói rõ về CMCN lần 4 là “Tạo ra “phiên bản số” của các thực thể chính là việc số hóa (digitalization), và công việc được làm khắp nơi này đã được ẩn dụ gọi là cuộc cách mạng số hóa...

“Phiên bản số” của các thực thể cho phép ta nối chúng với nhau trên các hệ thống máy tính hoặc nối chúng vào internet, và tạo ra các không gian số (cyberspace) tương ứng với thế giới thực thể của chúng ta. Những hệ thống kết nối các thực thể và “phiên bản số” của chúng được gọi là các hệ kết nối không gian số - thực thể, tạm dịch theo nghĩa của từ cyber-physical systems. Đây là một khái niệm cơ bản của CMCN lần 4, phản ánh mối liên hệ của sản xuất tiến hành trong thế giới các thực thể nhưng quá trình tính toán được làm trên không gian số và kết quả tính toán này được trả lại dùng cho sản xuất trong thế giới các thực thể. Đây là thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất của con người, sản xuất được điều khiển và hỗ trợ quyết định từ không gian số.

Cach mang cong nghiep lan 4: Can xay chu khong chi mo! - Anh 2

Các ứng dụng đón xe Grab, Uber... là một phần của nền công nghiệp du lịch 4.0 nhưng vẫn gặp bất nhất về cách ứng xử giữa trung ương và địa phương, như Đà Nẵng không cho phép hoạt động trên địa bàn trong khi Chính phủ đã cho phép. Ảnh Di My

Để có cuộc cách mạng lần 4 như thế, phải giải quyết các trở lực, và chuẩn bị hạ tầng cơ sở. Nói một cách sách vở là nền móng cho cách mạng phải được chuẩn bị, lượng cần hội tụ để có thể biến đổi chất... Cả thực hiện và thụ hưởng công nghiệp 4.0 đều là con người, có được 4.0 hay chỉ là số 0 tròn trĩnh là phụ thuộc vào họ, công nghệ, cho cùng, chỉ là phương tiện. Chỉ cần một văn bản dưới luật, một thủ tục hành chính hà khắc, hay cú bắt tay dưới gầm bàn... đều có thể khiến cái 4.0 ấy chậm hay dừng lại.

Và tất nhiên, sau văn bản, sau thủ tục, sau bắt tay cũng lại là con người. Như nền kinh tế chia sẻ, với các ứng dụng đón xe là một phần của nền công nghiệp du lịch 4.0, một nền công nghiệp mũi nhọn cần phải cộng hưởng của dữ liệu lớn giúp tính toán phòng nghỉ, tiện ích đăng ký, bảo đảm an toàn, cân bằng mật độ du khách, tạo ra xu hướng thu hút trải nghiệm vào mùa thấp điểm... Ngay cả với ứng dụng đón xe ấy, chúng ta vẫn loay hoay tìm giải pháp pháp lý hợp lý, vẫn bất nhất về cách ứng xử từ trung ương và địa phương như Đà Nẵng không chịu khi Chính phủ đã cấp phép chẳng hạn.

Hay câu chuyện về nông nghiệp và y tế, để lên nền y học điện tử hay nông nghiệp công nghệ cao, ít ra chúng ta cũng phải giải quyết được tình trạng bệnh viện tuyến trên quá tải trong khi bệnh viện tuyến dưới vắng người, khi bệnh án chưa liên thông và còn được lưu trữ dưới nhiều dạng khác nhau. Vượt qua cả việc phải “giải cứu” liên tục từ dưa hấu đến cá sấu khi tình trạng dội chợ nếu Trung Quốc không tiêu thụ, một nền nông nghiệp manh mún và thiếu quy hoạch.

Kinh tế Việt Nam quý 1/2017chỉ đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5,1% - được xem là thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây, mà một trong những lý do lớn là sụt giảm doanh số lắp ráp điện thoại thông minh của các nhà máy Samsung Electronics tại Việt Nam, do sự cố nổ pin Galaxy Note 7.

Cach mang cong nghiep lan 4: Can xay chu khong chi mo! - Anh 3

CMCN lần 4 không thể làm chỉ bởi ý chí mà phải bằng tri thức, bằng những công nghệ tiên tiến của trí tuệ nhân tạo, của khoa học dữ liệu, của kết nối thế giới thực và không gian số, của công nghệ sinh học và khoa học vật liệu... Ảnh minh hoạ: Internet

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Đại học Fulbright Việt Nam, phân tích điều này phơi bày một điểm yếu cố hữu của kinh tế Việt Nam: quá phụ thuộc vào FDI. Dù để sản xuất ra một chiếc điện thoại Samsung, hầu hết hãng này đều nhập khẩu đến hơn 90% giá trị, phần nhiều từ Hàn Quốc. Phần giá trị gia tăng của chiếc điện thoại Samsung còn lại ở Việt Nam chỉ độ 8%.Trong nỗ lực phục hồi tăng trưởng, các nhà quản lý vĩ mô đã tính đến việc tăng khai thác dầu thô và tăng sản lượng công nghiệp. Nỗ lực không cho thấy cả CMCN lần 4 lẫn các mũi nhọn du lịch và nông nghiệp. Chúng ta sẽ đi đến cuộc CMCN ấy thế nào nếu cả trong định hình còn chưa có?

Công nghệ 4.0 hay CMCN lần 4 không chỉ đơn giản là có mạng di động 4G hay tăng số lượng người sử dụng internet. CMCN lần 4 không thể làm chỉ bởi ý chí mà phải bằng tri thức, bằng những công nghệ tiên tiến của trí tuệ nhân tạo, của khoa học dữ liệu, của kết nối thế giới thực và không gian số, của công nghệ sinh học và khoa học vật liệu... - GS. Hồ Tú Bảo nói. Công nghệ 4.0 hay CMCN lần 4 không thể đạt tới nếu chỉ có khát vọng, nó cần các chính sách cụ thể và nhất quán, các đổi thay từ nền tảng, những nhân lực bắt kịp thời đại. Để có điều đó, cần phải xây dựng chứ không phải mơ mộng.

Phan Thành

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness