TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 13
  • Hôm nay: 1307
  • Tháng: 6790
  • Tổng truy cập: 5152054
Chi tiết bài viết

Chúng ta không muốn lỡ tàu lần nữa 1 2019

Thường đã thành thông lệ, mỗi khi năm cũ sắp qua, năm mới chuẩn bị đến, chúng ta lại dành thời gian để nhìn lại mình, nhìn lại một năm qua và nhìn về một năm mới cận kề, để bồi hồi vì nhịp chảy của thời gian, sao một năm trôi qua quá nhanh, chưa kịp làm gì đã Tết! Và để hy vọng khi sang năm mới, chúng ta sẽ làm được nhiều hơn thế.

Nhưng thường thì năm sau cũng lại như năm trước, nên dù nhìn lại hết năm này qua năm khác, dường như sự thay đổi mỗi năm sẽ gần tương tự nhau, có thể dự đoán được.

Chúng ta không muốn lỡ tàu lần nữa - Ảnh 1.

 Những gì chúng ta thấy rõ nhất là mình thêm một tuổi, có một vài sự kiện đáng nhớ của cá nhân và gia đình. Một số dự định cá nhân có thể đã hoàn thành, một số khác, thường nhiều hơn thì còn dang dở.

Nhưng năm nay và một vài năm tới sẽ rất khác. Nhiều sự thay đổi sẽ không thể dự đoán được. Lý do là không hẳn một năm mới đang tới, mà là một thời đại mới đang tới.

Chúng ta đang ở ngay giữa bản lề của thời đại mới đang tới đó. Sự thay đổi vì thế dù có thể cảm nhận là âm thầm, thì trên thực tế tốc độ của nó là mãnh liệt.

Đến mức, chỉ ba chục năm nữa thôi, khi nhìn lại, rất có thể, chúng ta sẽ thấy ngỡ ngàng vì những điều chúng ta chưa thể hình dung ngày hôm nay lại một sự hiển nhiên của ba chục năm sau nữa.

Ba chục năm, nói thì tưởng là dài, nhưng chỉ bằng một cái vươn vai tỉnh dậy. Với cá nhân, từ khi sinh ra đến khi tỉnh ra mình phải làm gì, có trách nhiệm gì với gia đình và xã hội, đã là ba chục năm. Còn với quốc gia, thì ba chục năm chỉ là cái ngáp của lịch sử.

Hầu hết chúng ta, những con người nói chung, đã đi qua đời mình trong những cái ngáp của lịch sử như thế. Đây không phải là lỗi tại ai, mà là do giới hạn của thời đại. Mỗi thời đại đều có đặc trưng và bước đi riêng, không thể thúc giục nhanh hơn được.

Vì lẽ đó, giới hạn của thời đại là giới hạn của chính chúng ta. Bước đi của chúng ta cùng lắm cũng chỉ là cùng nhịp được với bước đi của thời đại.

Đó là lý do vì sao mỗi dịp năm mới đến, nhìn đi nhìn lại, chúng ta thấy những sự kiện diễn ra đều có thể dự đoán được.

Lý do là vì hầu hêt chúng ta đều sống trong sự ổn định của một thời đại. Số người sống trong thời khắc của sự chuyển mình của thời đại, thực tế không nhiều.

Vậy thời đại mới đó là gì, có thể ảnh hướng đến chúng ta ra sao? Và quan trọng hơn, chúng ta cần ứng xử thế nào trong khoảnh khắc chuyển giao đó.

Tôi cho rằng tên gọi chính thức của nó còn chưa được xác định. Nhiều người gọi đó là thời đại công nghệ 4.0. Nhưng đó chỉ là ở khía cạnh sản xuất. Mà chỉ xét riêng ở khía cạnh này thôi, chúng ta cũng đủ thấy tầm vóc và ảnh hưởng của nó đến chính mình.

Giờ chúng ta bước vào năm 2019. Nếu nhìn lại lịch sử của 2018 năm qua, chúng ta sẽ thấy giật mình, vì vai trò và vị trí của chính mình. Trong khoảng thời gian 2.000 năm đó, chúng ta có khoảng 1.000 năm ở trạng thái mất độc lập. Khoảng một nửa thời gian trong những năm còn lại thì có chiến tranh hoặc xung đột.

Thời kỳ chúng ta vừa có độc lập vừa có hòa bình để phát triển không nhiều. Nếu tính ra, trong suốt 2.000 năm qua, khoảng hai phần ba thời gian chúng ta ở trạng thái lệ thuộc hoặc có chiến tranh, xung đột.

Nếu chỉ tính trong khoảng 150 năm trở lại đây, đúng khoảng thời gian định hình toàn bộ thế giới hiện giờ, thì chúng ta sẽ sửng sốt về vai trò và cơ hội nhỏ bé của mình.

Nếu chỉ xét ở khía cạnh sản xuất, chúng ta sẽ thấy thế giới đã đi qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, có thể coi là đặc trưng bởi sự ra đời và chiếm lĩnh của ba loại động cơ khác nhau.

Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ra đời những năm 1880, khi động cơ hơi nước được phát minh và đưa vào sử dụng rộng rãi. Hệ quả là cơ khí hóa và nền đại sản xuất ra đời. Lúc đó, chúng ta đang làm gì và đang ở trong trạng thái nào? Nhìn lại, sẽ thấy khi đó, chúng ta vừa bước vào thời kỳ Pháp thuộc; và hơn 95% dân số mù chữ. Chúng ta còn không có chút ý niệm nào về cách mạng công nghiệp. Vì thế, chúng ta không có cơ hội, chúng ta đứng ngoài cuộc chơi.

Cách mạng công nghiệp lần thứ hai ra đời những năm 1910, khi động cơ điện được phát minh và sử dụng rộng rãi. Hệ quả là sự ra đời của điện khí hóa và nền đại công nghiệp. Khi đó, tình cảnh của chúng ta vẫn không khác lần trước bao nhiêu, vẫn mất độc lập và hơn 95% dân số mù chữ.

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời những năm cuối 1950-2000, khi mạch tích hợp điện từ và máy tính ra đời, dẫn đến sự ra đời của nền đại công nghiệp theo hướng điện tử hóa và tự động hóa. Đó chính là nền sản xuất và nền công nghiệp mà chúng ta đang thấy. Khi đó, tình cảnh của chúng ta ra sao? Một nửa thời gian trong khoảng những năm tháng đó, chúng ta ở trạng thái chiến tranh và chia cắt. Dân trí có khá hơn nhưng chưa đủ để làm gì đáng kể.

Đến khi đất nước thống nhất và khi thực sự ra khỏi chiến tranh để từng bước hội nhập với thế giới bên ngoài những năm 1990, thì chuyến tàu công nghiệp 3.0 đã rời ga. Chúng ta trở thành kẻ lỡ tàu. Cửa sổ phát triển đã khép lại.

Trung Quốc là vị khách cuối cùng kịp nhảy lên chuyến tàu này và trở thành công xưởng của thế giới. Một số nước khác ở châu Á, có xuất phát tương đối thấp, như Hàn Quốc, đã bắt được chuyến tàu công nghiệp 3.0 này nên phát triển rực rỡ.

So với Trung Quốc và Hàn Quốc, chúng ta chậm 10-20 năm mở cửa và hội nhập. Nhưng trên thực tế, đó là chậm cả một thời đại.

Duy nhất lần này, trong đúng những ngày tháng này, khi chuyến tàu 4.0 đang đến, với đặc trưng là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, robot, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn… tạo ra sự khác biệt lớn: những cỗ máy ngày nay không chỉ thực hiện thao tác mà còn có thể "giao tiếp" và "suy nghĩ".

Chính những đặc trưng này sẽ tạo ra những cách thức tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội và lối sống cá nhân khác hẳn so với trước đây, đến mức chúng ta chỉ có thể hình dung lờ mờ những gì có thể xảy đến. Hầu hết những gì diễn ra trong khoảng 30-50 năm nữa sẽ nằm ngoài hình dung và dự đoán của chúng ta.

Tuy bất định như thế nhưng dường như đây lại là cơ hội của chúng ta, của Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm qua, chúng ta được biết có một cuộc cách mạng công nghiệp đang tới, trong tình trạng không có chiến tranh, với 98% dân số biết chữ và hàng triệu người đã học xong đại học, hàng trăm ngàn người đã du học và làm việc ở nước ngoài có thể trở về.

Vì thế, nhìn lại toàn bộ lịch sử, chúng ta sẽ ngỡ ngàng nhận ra: Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội được tham gia một cuộc chơi lớn, một cuộc chơi toàn cầu ngay từ những ngày đầu tiên. Và cũng là lần đầu tiên, chúng ta có ý thức về sự tồn tại của nó và có được những điều kiện cơ bản để tham gia cuộc chơi toàn cầu đó.

Nói một cách ngắn gọn, chúng ta không còn là kẻ ngoài cuộc. Nhưng chúng ta vẫn có thể là kẻ lỡ tàu.

Tuy được tham gia một cuộc chơi lớn, cuộc chơi 4.0 ngay từ những ngày đầu, nhưng chơi được hay không và có bị lỡ tàu một lần nữa hay không, vẫn còn bỏ ngỏ.

Đoàn tàu 4.0 đã vào ga. Những điều kiện cơ bản đã có. Nhưng lên được tàu hay không lại ở chỗ: người quản lý nhà ga có cho lên tàu; và các hành khách có đủ khả năng để lên tàu.

Vướng mắc về cơ chế chắc chắn đang có và tháo gỡ cũng chưa biết khi nào mới xong. Nhưng đã là bước chuyển của thời đại thì các cơ chế lạc hậu có thể ngăn cản những bước chân đầu tiên và có thể bị cuốn phăng đi do xu thế là tất yếu. Vì thế, những rào cản về cơ chế chỉ là vấn đề kỹ thuật, có thể tháo gỡ.

Vướng mắc lớn nhất trong cuộc hội nhập này lại nằm ở khía cạnh con người. Để làm chủ được thời đại 4.0, cần những con người có năng lực tương xứng.

Nghịch lý sẽ nằm ở chỗ: chúng ta chưa thể hình dung rõ ràng mọi chuyện ở thời đại 4.0 để thiết kế ra những chương trình giáo dục tương ứng.

Tất cả những gì chúng ta biết là tất cả những gì chúng ta có kinh nghiệm, tức những gì đã thuộc về quá khứ. Còn những gì đang tới, sự chuyển mình của một thời đại mới, chúng ta chưa hề có kinh nghiệm, vì thế sẽ không biết giáo dục con trẻ như thế nào cho phù hợp.

Chúng ta không thể dạy những gì chúng ta không biết. Đó là vấn đề lớn nhất của giáo dục trong những tháng ngày này.

Trong tình cảnh đó, những gì giáo dục có thể làm là gỡ bỏ tất cả những định kiến đã có để tạo lập một tâm thế giáo dục trong trẻo, sẵn sàng đón nhận những gì đang diễn ra đúng như nó là, thay vì áp đặt theo nhận định chủ quan đã có, để từng bước thích nghi và làm chủ nó và hình thành một mô hình giáo dục mới.

Mô hình giáo dục đó phải đủ sức giải phóng giáo dục ra khỏi những ràng buộc cũ. Nếu như động lực phát triển của các thời kỳ đã qua là dùng máy móc giải phóng sức lao động thì động lực phát triển của thời kỳ mới này là giải phóng suy nghĩ, giải phóng sức sáng tạo, giải phóng con người.

Giáo dục phải tiên phong trong việc đó, tiên phong trong việc giải phóng con người.

Đó là thách thức của giáo dục nhưng cũng chính là cơ hội của giáo dục, một lần nữa, chưa bao giờ lớn như thế.

Giáp Văn Dương - Theo Người Lao Động

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness