TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 15
  • Hôm nay: 2222
  • Tháng: 12500
  • Tổng truy cập: 5157764
Chi tiết bài viết

Dòng chảy ngầm mang tên Murakami

Có lẽ ít ai từng đến Nhật mà không trầm trồ, ngạc nhiên, hay đặt những câu hỏi thắc mắc về đất nước này. Rằng tại sao người Nhật có vẻ giống robot, tại sao đường phố sạch sẽ thế, tại sao họ làm việc nhiều đến vậy, tại sao ở đây tính cá nhân được giấu đi để tính cộng đồng hiển lộ, tại sao trông họ có vẻ cô đơn? Họ có buồn không? Hành trình tư duy của những người Nhật giống nhau ở điểm gì? Họ có vui như thú vui của đa số nhân loại hay buồn bởi những lý do rất Nhật Bản của mình? Và họ thỏa hiệp với cuộc đời mình trong một đất nước được cho là đặc biệt khác lạ ra sao?...

Haruki Murakami bằng cách riêng của mình, trả lời được gần như mọi câu hỏi về những tâm hồn Nhật Bản, và hơn cả, đó là những tâm hồn cô đơn, khắc khoải, có khi vùng vẫy hòng thoát khỏi thực tại nhưng lại không hoàn toàn đồng ý với thế giới huyền ảo họ bước vào... Mỗi câu chữ của Murakami tỏa ra thứ ánh sáng của sự mê hoặc, có khả năng gây nghiện như rất nhiều độc giả đã “tự thú”, và ai đã đọc ông có lẽ đồng tình rằng một khi ta đã sa chân vào dòng chảy của ông thì khó lòng bước lên bờ.

Tôi từng tranh luận với một người Nhật chưa thích Haruki Murakami, cô nói nhiều người Nhật phản đối vì ông đã “nói xấu hay đại loại vạch trần” người Nhật cho cả thế giới biết. Nhưng cô thừa nhận dân đọc sách ở Nhật và cả thế giới đều coi ông như một hiện tượng văn chương đương đại, ông là “một người Nhật không trầm lặng”, ít nhất nhìn từ những trang ông đã viết.

Phải can đảm biết bao người ta mới dám phơi bày tỉ mẩn suy nghĩ, sự yếu đuối hay tham lam, những khát vọng riêng tư hay những thất bại của cả mình và của người, trong cái hiện thực mà chính họ đang là... Nhà văn như miếng mút, liên tục thấm hút đời sống và vắt kiệt lên từng trang sách không mệt mỏi. Những thấm hút ấy lại hàn gắn ngược lại cho chính những tâm hồn đang trống rỗng.

“Tôi là một người yêu jazz, nên đấy là lý do tôi đặt một nhịp điệu xuống trước tiên. Sau đó tôi thêm hợp âm và bắt đầu ứng tác, soạn tác một cách tự do trong khi viết. Tôi viết như thể mình đang soạn nhạc”, Murakami từng chia sẻ về mạch nguồn văn chương của mình. Bộ 1Q84, Cuộc săn cừu hoang, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Biên niên ký chim vặn dây cót, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, Kafka bên bờ biển, Rừng Na Uy... được viết ra từ dòng chảy bất tận của một người đắm đuối với cuộc sống ở những tầng sâu thẳm.

Murakami không giấu giếm hay hổ thẹn vì các nhân vật của mình (vốn luôn ẩn nhiều góc khuất), và thấp thoáng trong họ cả phác thảo về chính ông, tưởng như an nhiên mà nhiều thao thức, cũng không hiếm khi trống rỗng, hững hờ và uể oải, theo đuổi sự hoang đường, nỗi u sầu, có khi lại vui với cái tận cùng của nỗi cô đơn và yêu vô cùng cái đẹp rất riêng tư trong mỗi con người. Văn chương của ông là dòng chảy ngầm dưới các tầng sâu của cuộc đời, được ông gọi tên và tô vẽ bằng ngôn từ tinh tế ám ảnh. Nó đưa người ta ra khỏi sự hời hợt của bề ngoài hay sự phù phiếm của ồn ào bon chen thường nhật.

Ở Murakami và Dostoievsky tôi cảm thấy có một sự gặp gỡ. Nhà văn Nga từng tuyên bố rằng trong con người luôn song hành ánh sáng và bóng tối. Còn Murakami thì bảo: “Thế giới không có cái thiện tuyệt đối cũng như cái ác tuyệt đối. Thiện ác không phải thứ bất biến, chúng đổi chỗ cho nhau. Thiện sau nháy mắt có thể thành ác và ngược lại”. Mặc dù “lằn ranh phân biệt thật giả trong hầu hết trường hợp không thể thấy được bằng mắt thường” (trích 1Q84)... nhưng may mắn và cũng thú vị thay, thế giới vẫn cân bằng tinh tế trong trật tự tự phát của nó.

Vậy nên, nếu ai từng đặt ra câu hỏi về cuộc sống, về thế giới bên trong của mỗi chúng ta, những ngọn đèn ý thức, cái chết, những người luôn chạy kiệt sức vì sợ bị thời đại quăng lại phía sau... chắc chắn sẽ tìm thấy sự đồng điệu ở nhà văn Nhật mà không Nhật này! 

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness