TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 3
  • Hôm nay: 7
  • Tháng: 10456
  • Tổng truy cập: 5143774
Chi tiết bài viết

Hình hài của xung đột Mỹ – Trung

Nguồn: Min Xinpei, “The Shape of Sino-American Conflict”, Project Syndicate, 06/06/2018.

Biên dịch: Phan Nguyên

Đối với hầu hết những người quan sát cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nguyên nhân gây ra cuộc chiến là sự hội tụ giữa các thực tiễn thương mại không công bằng của Trung Quốc với xu hướng bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump. Nhưng cách hiểu này bỏ qua một diễn tiến quan trọng: sự sụp đổ của chính sách can dự kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ đối với Trung Quốc.

Tranh chấp thương mại không có gì là mới. Khi các đồng minh tham gia vào các tranh chấp đó – như Mỹ và Nhật Bản đã từng làm cuối những năm 1980 – chúng ta có thể giả định một cách an toàn rằng vấn đề thực sự liên quan đến khía cạnh kinh tế. Nhưng khi chúng xảy ra giữa các đối thủ chiến lược – chẳng hạn như giữa Mỹ và Trung Quốc ngày nay – có thể sẽ có nhiều điều khác nữa đằng sau câu chuyện đó.

Trong năm năm qua, quan hệ Trung-Mỹ đã thay đổi cơ bản. Trung Quốc ngày càng trở lại chủ nghĩa chuyên chế – một quá trình lên tới đỉnh điểm với việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào hồi tháng 3 – và việc theo đuổi một chính sách công nghiệp do nhà nước bảo trợ, thể hiện bằng kế hoạch “Made in China 2025”.

Hơn nữa, Trung Quốc đã tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông để thay đổi nguyên trạng lãnh thổ trên thực địa. Và Trung Quốc cũng đã mạnh mẽ thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, một công cụ được ngụy trang sơ sài nhằm thách thức ưu thế toàn cầu của nước Mỹ. Tất cả những điều này đã giúp thuyết phục Hoa Kỳ rằng chính sách can dự Trung Quốc của Mỹ đã hoàn toàn thất bại.

Mặc dù Hoa Kỳ vẫn chưa xây dựng được một chính sách Trung Quốc mới, nhưng phương hướng tiếp cận của nó là rõ ràng. Chiến lược an ninh quốc gia mới nhất của Hoa Kỳ, được công bố vào tháng 12 năm ngoái, và Chiến lược quốc phòng, được công bố vào tháng 1 năm nay, cho thấy Hoa Kỳ giờ đây coi Trung Quốc là “cường quốc xét lại” và quyết tâm chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm “thay thế Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Chính mục tiêu chiến lược đã làm nền tảng cho những ngón đòn kinh tế gần đây của Mỹ, bao gồm yêu cầu xa vời của Trump rằng Trung Quốc phải cắt giảm 200 tỷ đô la thặng dư thương mại với Hoa Kỳ trong vòng hai năm. Ngoài ra, Quốc hội Hoa Kỳ sắp thông qua một dự luật hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, và các kế hoạch cũng đang được soạn thảo để hạn chế thị thực cho các sinh viên Trung Quốc đang theo học các nghành khoa học và công nghệ tiên tiến tại các đại học Mỹ.

Thực tế rằng các mâu thuẫn thương mại hiện nay vượt ra ngoài khía cạnh kinh tế sẽ làm chúng trở nên khó quản lý hơn. Trong khi Trung Quốc có thể – với những nhượng bộ đáng kể và chút ít may mắn – có thể tránh được một cuộc chiến tranh thương mại tàn khốc trong ngắn hạn, thì quỹ đạo dài hạn của quan hệ Mỹ-Trung gần như chắc chắn được đặc trưng bởi xung đột chiến lược leo thang và thậm chí là cả một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện.

Trong một kịch bản như vậy, kiềm chế Trung Quốc sẽ trở thành nguyên tắc định hình chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, và cả hai bên sẽ coi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế như một món nợ chiến lược không thể chấp nhận được. Đối với Hoa Kỳ, cho phép Trung Quốc tiếp tục tiếp cận thị trường và công nghệ của mình sẽ tương đương với việc trao không cho Trung Quốc những công cụ để đánh bại Mỹ về kinh tế – và sau đó là về địa chính trị. Đối với Trung Quốc, giảm can dự kinh tế và phụ thuộc công nghệ vào Mỹ, dù có tốn kém tới đâu, cũng sẽ được coi là quan trọng đối với sự ổn định và các mục tiêu chiến lược của đất nước.

Nếu bị tách rời về kinh tế, Mỹ và Trung Quốc sẽ có ít lý do hơn để tự kiềm chế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị của họ. Đương nhiên là một cuộc chiến tranh nóng giữa hai cường quốc vũ trang hạt nhân sẽ không thể xảy ra. Nhưng họ gần như chắc chắn sẽ tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang làm tăng rủi ro toàn cầu, đồng thời mở rộng xung đột chiến lược sang các khu vực thiếu ổn định nhất trên thế giới, có khả năng thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Theo kịch bản này, sự giảm can dự kinh tế sẽ diễn ra dần dần, nhưng không hoàn toàn. Bất chấp tính chất đối địch của mối quan hệ, hai bên sẽ có một số động lực kinh tế để duy trì mối quan hệ ở mức vừa phải. Tương tự như vậy, trong khi cả hai nước sẽ cạnh tranh tích cực để giành ưu thế quân sự và đồng minh, họ sẽ không tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm hoặc cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho các lực lượng hoặc các nhóm tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang với bên kia (như Taliban ở Afghanistan hoặc các dân quân Uighur ở Tân Cương).

Một cuộc xung đột như vậy chắc chắn sẽ mang theo các rủi ro, nhưng chúng sẽ có thể quản lý được – miễn là cả hai quốc gia đều có một dàn lãnh đạo có kỷ luật, đầy đủ thông tin và có tư duy chiến lược. Tuy nhiên, trong trường hợp Hoa Kỳ, người ta chưa nhìn thấy một sự lãnh đạo như vậy hiện nay. Cách tiếp cận thất thường của Trump đối với Trung Quốc chứng minh rằng ông không có tầm nhìn chiến lược cũng như kỷ luật ngoại giao để đưa ra một chính sách nhằm quản lý xung đột chiến lược, chứ chưa nói tới một học thuyết (như học thuyết của Tổng thống Harry Truman năm 1947) để theo đuổi một cuộc Chiến tranh Lạnh.

Điều này có nghĩa là, ít nhất trong ngắn hạn, quỹ đạo khả dĩ nhất của quan hệ Trung-Mỹ là hướng tới một “xung đột mang tính cơ hội” (transactional conflict), được đặc trưng bởi các cuộc tấn công thường xuyên về kinh tế và ngoại giao xen kẽ các hoạt động hợp tác rải rác. Trong kịch bản này, căng thẳng song phương sẽ tiếp tục gia tăng, bởi vì các tranh chấp riêng lẻ được giải quyết tách biệt với nhau, dựa trên sự đánh đổi qua lại cụ thể, và do đó thiếu sự kết dính nhất quán về chiến lược.

Vì vậy, cho dù cuộc tranh chấp thương mại hiện tại giữa hai nước kết thúc ra sao thì Mỹ và Trung Quốc dường như cũng đang dạt dần về phía xung đột dài hạn. Bất kể hình thức xung đột nào diễn ra, nó cũng sẽ gây nên các phí tổn cao cho cả hai bên, cho châu Á, và cho cả sự ổn định toàn cầu.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College, và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ German Marshall Fund of the United States. 

Theo Nghiên Cứu Quốc Tế

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness