TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 9
  • Hôm nay: 59
  • Tháng: 8761
  • Tổng truy cập: 5154025
Chi tiết bài viết

Những chuyển động mới trong cục diện khu vực, thế giới và tác động đến Việt Nam

Điều chỉnh chiến lược đối ngoại của các nước lớn 

Năm 2017 đánh dấu bước điều chỉnh mới quan trọng trong chiến lược đối ngoại của các nước lớn.

Đối với Mỹ, mặc dù vẫn là siêu cường số 1 toàn cầu, song xu thế rõ ràng là Mỹ đang suy giảm tương đối về sức mạnh quốc gia so với các cường quốc khác. Mặc dù vậy, Mỹ không từ bỏ mục tiêu giữ vững vị trí hàng đầu thế giới, chỉ điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với tương quan sức mạnh và tình hình thế giới hiện nay. Kể từ khi nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm tích cực triển khai chính sách đối ngoại có tính thực dụng rõ rệt, tập trung nhiều vào các lợi ích kinh tế, chú trọng song phương hơn đa phương và coi trọng sức mạnh và khả năng răn đe về quân sự và kinh tế - thương mại hơn về ngoại giao. Đồng thời, Mỹ tập trung củng cố quan hệ với các đồng minh và các nước lớn, nhất là xử lý quan hệ với Trung Quốc và Nga. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù Tổng thống Đ. Trăm phủ định chiến lược “tái cân bằng” của chính quyền tiền nhiệm, song Mỹ vẫn coi trọng khu vực và duy trì sự quan tâm, hiện diện trên cả ba mặt chính trị, kinh tế, và an ninh - quốc phòng. Trong đó, sự hiện diện quân sự diễn ra mạnh hơn, đặc biệt là ở khu vực Đông Bắc Á. Đáng chú ý, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng (tháng 11-2017), Tổng thống Đ. Trăm đã chính thức tuyên bố một chiến lược mới với tên gọi “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, nhằm mở rộng phạm vi chiến lược khu vực của Mỹ ra toàn bộ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hơn một tháng sau đó, Chiến lược an ninh quốc gia mới - văn bản “xương sống” làm nền tảng cho các chiến lược trong các lĩnh vực khác của Mỹ được công bố, tiếp tục nhấn mạnh tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là điểm rất mới trong quá trình điều chỉnh chiến lược của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, với thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, với sức mạnh quốc gia tăng mạnh trên mọi khía cạnh, Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu ở khu vực và trên thế giới. Kể từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn “giấu mình chờ thời” sang thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” - trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2049 - thời điểm tròn 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại dựa trên hai trụ cột là “ngoại giao nước lớn” và “ngoại giao láng giềng”. Trung Quốc tập trung vào quan hệ với Mỹ, đồng thời thúc đẩy quan hệ với Nga, Liên minh châu Âu (EU); đồng thời chủ động đề ra nhiều sáng kiến mới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa muốn thay đổi mà chỉ muốn điều chỉnh trật tự hiện tại theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của mình là tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố chiến lược đối ngoại mới của Trung Quốc, trong đó tập trung vào việc xây dựng “Cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”, thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, con đường” và đặc biệt là khẳng định việc ủng hộ, thúc đẩy xu thế tự do hóa thương mại, xu thế toàn cầu hóa. Có thể nói, năm 2017 đã đánh dấu một nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tự tin hơn, quyết đoán hơn trong việc mở rộng ảnh hưởng, đảm đương một số công việc chung của khu vực và thế giới.

Liên bang Nga kiên trì mục tiêu tái khẳng định vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Trong năm 2017, Nga kiên quyết duy trì khu vực ảnh hưởng của mình ở không gian “hậu Xô-viết”; đồng thời từng bước quay trở lại vị trí trung tâm trên bàn cờ chính trị thế giới, trước hết là ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi. Nga cũng khẳng định là quốc gia Âu - Á, có vai trò và vị trí quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Nga còn một số hạn chế, lại đang chịu sức ép cấm vận từ các nước phương Tây, việc Nga vươn lên nhằm tái lập và khẳng định vị trí cường quốc toàn diện và có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Nhật Bản rất chủ động triển khai “chủ nghĩa hòa bình tích cực” và “ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” nhằm tăng cường vai trò, vị thế quốc tế, phục vụ chính sách kinh tế Abenomics. Nhật Bản, một mặt, tiếp tục củng cố quan hệ với Mỹ; mặt khác, có sự điều chỉnh nhất định trong triển khai chính sách đối ngoại, đẩy mạnh đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tăng tính chủ động nhằm nâng cao vị thế của mình ở khu vực và trên thế giới. Đối với các nước lớn (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ), Nhật Bản nỗ lực chủ động thúc đẩy cải thiện quan hệ. Trong quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN, Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, chú trọng tăng cường các khuôn khổ hợp tác, đối thoại chính trị, an ninh quốc phòng. Điểm mới là Nhật Bản đẩy mạnh triển khai các chương trình hợp tác hạ tầng chất lượng cao ở khu vực. Đáng chú ý là vào tháng 8-2016, Nhật Bản đã đề xuất Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm tạo không gian hợp tác mới trong khu vực. Chiến lược này của Nhật Bản và các đồng minh được xem như đối trọng với chiến lược “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

Với đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng (vượt Anh, trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới) và tiềm lực quân sự đáng kể, Ấn Độ cũng đang khẳng định vai trò nước lớn, mong muốn có vị thế tương xứng. Với Mỹ, Ấn Độ ưu tiên và chủ động thúc đẩy quan hệ; với Trung Quốc, Ấn Độ, một mặt, thúc đẩy quan hệ hợp tác; mặt khác, kiên quyết bảo vệ khu vực ảnh hưởng của mình. Ấn Độ tích cực thực hiện chính sách “Hành động hướng Đông”, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á cũng như với Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Những biến động thuận và nghịch

Trên bình diện đa phương, các thể chế, diễn đàn quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có những biến động thuận và nghịch khác nhau. Là tập hợp lực lượng về kinh tế - thương mại lớn nhất khu vực, APEC bước vào năm 2017 với nhiều khó khăn, đặc biệt là phải đối mặt với xu thế bảo hộ mậu dịch, xu thế chống toàn cầu hóa và chống liên kết kinh tế, đồng thời nền kinh tế lớn nhất là Mỹ tỏ ra thiếu quan tâm, dường như buông vai trò dẫn dắt. ASEAN đánh dấu 50 năm thành lập với nhiều thành tựu lớn, tỏ rõ vai trò là tổ chức khu vực thành công nhất, có mối quan hệ đối ngoại với nhiều cường quốc nhất. Tuy nhiên, ASEAN cũng đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, trong đó có việc định hình và định vị ASEAN trong cấu trúc khu vực và thế giới trong nửa thế kỷ tiếp theo.

Việc các nước lớn đều có những điều chỉnh chiến lược đối ngoại, trong đó có chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương, đã và đang tác động nhiều mặt đối với khu vực. Trước hết, sự quan tâm, chú ý và tăng cường hiện diện, trong đó có hiện diện quân sự của các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương làm gia tăng cạnh tranh nước lớn ở khu vực. Một số “điểm nóng” có diễn biến phức tạp hơn. Trên bán đảo Triều Tiên, việc Mỹ quyết tâm triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc đã gây phức tạp trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Trung Quốc - Hàn Quốc và hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Ở Biển Đông, việc các nước lớn tăng cường hiện diện quân sự khiến cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước này có xu hướng gia tăng, tình hình diễn biến khó lường.

Sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn đặt các nước trong khu vực, nhất là các nước vừa và nhỏ, trước sức ép lớn, buộc phải điều chỉnh chính sách phù hợp. Nhiều nước đứng trước thách thức cả về đối nội và đối ngoại. Cạnh tranh giữa các nước lớn cũng phần nào ảnh hưởng tới những kết quả hợp tác, đối thoại, sự đoàn kết trong ASEAN. Bên cạnh đó, một số nước thành viên ASEAN gặp những phức tạp trong nội bộ, như mâu thuẫn, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, hoặc tập trung hơn vào hướng nội. Vì thế vai trò trung tâm của ASEAN đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc dẫn dắt các diễn đàn khu vực và trong việc xử lý các vấn đề của khu vực.

Tập hợp lực lượng ở khu vực cũng có những diễn biến, xu hướng mới đáng chú ý, chủ yếu xoay quanh điều chỉnh quan hệ với các nước lớn, nhất là với Trung Quốc và Mỹ. Quan sát thực tế có thể thấy, hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra ba xu hướng: 1- Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc để tranh thủ lợi ích kinh tế; 2- Vừa cố gắng thúc đẩy quan hệ với Mỹ, vừa thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc để duy trì sự cân bằng; 3- Tập hợp lực lượng mới gồm các nước vừa và nhỏ trong khu vực để đề phòng Mỹ rút khỏi khu vực, để lại “khoảng trống quyền lực” tại nơi này. Các xu hướng này đan xen lẫn nhau, thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, cả trên bình diện song phương và đa phương. Nhìn chung, do cạnh tranh nước lớn rất phức tạp, nên diễn biến ở khu vực cũng rất khó lường. Cấu trúc an ninh khu vực đang định hình vốn đã chồng chéo nay càng phức tạp hơn. Những thách thức mà APEC phải đối mặt đã tác động không thuận đến đà tăng trưởng kinh tế của khu vực vốn được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm qua.

Tác động đối với Việt Nam và đối sách của Việt Nam

Nằm trong vùng xoáy của những lực kéo - đẩy đó, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động thuận nghịch phức tạp. 

Về tác động tích cực, với sự quan tâm của các nước lớn đối với khu vực, Việt Nam có điều kiện phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước lớn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, đáng chú ý là các nước lớn tuy điều chỉnh chính sách nhưng hầu như không thay đổi chính sách đối với Việt Nam, đa số vẫn theo quỹ đạo như trước, thậm chí tích cực hơn. Việt Nam với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, có quan hệ sâu rộng với tất cả các cường quốc, đã và đang thu hút sự quan tâm của các nước lớn mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với Việt Nam. Với thuận lợi là nước chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam có cơ hội phát huy vị thế trong khu vực, đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương với các nền kinh tế thành viên. Việt Nam cũng có vị thế được đánh giá cao hơn trong bối cảnh ASEAN đang gặp một số khó khăn.

Về tác động tiêu cực, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn cũng khiến Việt Nam phải có đường lối và chính sách ứng xử khéo léo, mềm dẻo để duy trì, củng cố quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, cả trên bình diện đa phương và song phương. Việc chính quyền mới của Mỹ chú trọng lợi ích kinh tế - thương mại cụ thể cũng tạo ra thách thức đối với Việt Nam. Việt Nam xuất siêu vào Mỹ với tốc độ tăng nhanh (năm 2016 đạt 38,1 tỷ USD, tăng tới 15%). Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã xác định, Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong danh sách 16 nước có thặng dư thương mại với Mỹ và cần phải được điều tra về gian lận thương mại và bán phá giá. Việc Tổng thống Đ. Trăm quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đặt ra những thách thức phức tạp hơn đối với Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, sự gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông của một số nước lớn cũng gây thách thức khó lường về an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Về đa phương, vai trò trung tâm của ASEAN bị thách thức cũng ảnh hưởng đến chỗ dựa của Việt Nam trong việc bảo vệ các lợi ích quan trọng như Biển Đông và nguồn nước sông Mê Công.

Đứng trước cơ hội và thách thức đan xen, trước những biến động to lớn của thời cuộc, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, Việt Nam đã kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Dù tình hình biến chuyển phức tạp thế nào, Đảng ta vẫn luôn xác định mục tiêu tối thượng là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Hoạt động đối ngoại luôn phải nhằm “phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân;... nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(1) . Đây là mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại được xác định trong văn kiện Đại hội XII của Đảng. Với nền tảng “bất biến” đó, trong thời gian qua, mặc dù các nước lớn có những điều chỉnh chính sách, song Việt Nam vẫn tăng cường quan hệ tốt đẹp với các nước, từng bước đưa quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả hơn trên cơ sở tìm điểm đồng và bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia dân tộc. Đối với Trung Quốc, hai nước tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao với việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc (năm 2015, 2017); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kiên trì giải quyết các vấn đề trên biển thông qua đàm phán. Đối với Mỹ, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015) và chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017) sang Mỹ đã góp phần duy trì đà phát triển, củng cố cơ sở cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Hai bên đã thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ nhiều mặt, nhất là về kinh tế, thương mại. Chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất thành công, đạt được nhiều kết quả cụ thể. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (năm 2017), hai nước thống nhất trao đổi đoàn cấp cao trong năm 2018. Đặc biệt, với Nhật Bản, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017 có đến ba đoàn cấp cao (Nhật Hoàng và Hoàng hậu thăm cấp Nhà nước Việt Nam, hai Thủ tướng thăm chính thức), trong đó chuyến thăm của Nhật Hoàng và Hoàng hậu là dấu ấn lịch sử trong quan hệ hai nước. Trên bình diện đa phương, Việt Nam đóng góp tích cực vào việc củng cố tình đoàn kết của ASEAN, cùng các nước ASEAN khác giữ vững vai trò trung tâm của Hiệp hội trong khu vực, đặc biệt trong năm kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội. 

Với vai trò nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC 2017, trước bối cảnh phức tạp của các xu thế, Việt Nam đã xác định rõ tính bất biến của xu thế toàn cầu hóa, tự do thương mại, liên kết kinh tế. Trên cơ sở đó, chúng ta đã định ra được mẫu số chung, chủ động đưa ra các nghị trình, vấn đề thảo luận phù hợp với lợi ích của các nền kinh tế thành viên cũng phù hợp định hướng của APEC. Các hội nghị cấp Bộ trưởng, hội nghị quan chức cấp cao SOM 1, SOM 2 và SOM 3 đều rất thành công. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng thực sự là đỉnh cao trong thắng lợi của hoạt động đối ngoại Việt Nam, với sự tham gia của toàn bộ các lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên, đông đảo các tập đoàn kinh tế lớn tầm thế giới và khu vực. Quan trọng hơn cả, Năm APEC 2017 tại Việt Nam đã góp phần tạo động lực mới, duy trì APEC đi đúng hướng, bước đầu định hình tầm nhìn sau 2020.

Về kinh tế quốc tế, mặc dù xu thế bảo hộ mậu dịch có biểu hiện nổi lên đây đó tác động tiêu cực đối với xu thế liên kết kinh tế quốc tế, song với việc nhận định rõ các xu thế hội nhập, liên kết kinh tế không thể đảo ngược của thế giới và khu vực, Việt Nam vẫn chủ động, tích cực tham gia các tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tầm khu vực và toàn cầu. Việt Nam tích cực phối hợp với các nước thành viên để xác định chiều hướng phát triển của TPP. Những nỗ lực tích cực và cụ thể của Việt Nam đã góp phần giúp cho tiến trình liên kết kinh tế thế hệ mới này tiếp tục duy trì sức sống, chuyển thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTTP được cho là một hiệp định toàn diện và có quy chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước. 

Đối với Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và các thỏa thuận tự do thương mại khác, Việt Nam đều tham gia tích cực theo hướng thúc đẩy tự do thương mại, công bằng và tạo thuận lợi cho các nước vừa và nhỏ.

Song song với các nỗ lực ngoại giao nhà nước, Đảng ta cũng rất chú trọng hoạt động đối ngoại với các đảng cộng sản, công nhân, các đảng cánh tả, các đảng cầm quyền, tham chính, góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị, đồng thời định hướng, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương. Trong một số thời điểm khó khăn, quan hệ ngoại giao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng đã góp phần hiệu quả tháo gỡ vướng mắc, khai thông bế tắc, giữ nhịp cho quan hệ nhà nước và tổng thể quan hệ chung phát triển ổn định, tốt đẹp, đúng hướng. Đáng chú ý, Đảng ta rất chú trọng tới khâu đột phá là mở rộng, đẩy mạnh quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, với những đảng có vị trí và vai trò quan trọng trong việc hình thành và triển khai chính sách của các nước đối với Việt Nam; đồng thời, thông qua kênh đối ngoại đảng, góp phần củng cố đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN trong khu vực, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh; chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả cao vào các hoạt động đa phương chính đảng, theo đó phát huy mạnh mẽ vai trò của Đảng tại Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP), các hội nghị, hội thảo của các chính đảng ở các khu vực, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các chính đảng, các lực lượng chính trị đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đồng thời góp phần vào phong trào tiến bộ trên thế giới. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ ở các mức độ khác nhau với trên 200 đảng ở 115 nước khắp các châu lục; trong đó có trên 100 đảng cộng sản và công nhân, hơn 40 đảng cầm quyền, gần 80 đảng đang tham gia quốc hội - nghị viện các nước. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên tham gia và tham gia có hiệu quả các diễn đàn đa phương chính đảng, như Cuộc gặp quốc tế hằng năm của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới (IMCWP); Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP); Diễn đàn Xao Pao-lô của các đảng cánh tả,...

Tóm lại, tình hình thế giới và khu vực những năm qua và đặc biệt thời gian gần đây có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường. Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn đã tạo ra nhiều hệ lụy, bao gồm cả cơ hội lẫn thách thức đối với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đầy bất định, bất ổn và bất an đó, Việt Nam đã giữ vững mục tiêu, kiên trì đường lối đối ngoại mà Đảng ta đã khẳng định tại Đại hội XII, đồng thời triển khai chính sách đối ngoại một cách tích cực, chủ động và linh hoạt. Hoạt động ngoại giao trong thời gian qua được đẩy mạnh trên cả bình diện song phương lẫn đa phương. Đáng chú ý là chính trong năm 2017 - năm có nhiều bất ổn định nhất, Việt Nam đã trao đổi đoàn cấp cao với hầu hết các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước với những dấu ấn chưa từng có. 

Nhận định rõ các xu thế không thể đảo ngược của thế giới, cùng với việc kiên trì hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam không chỉ đứng vững trước những thách thức của thời cuộc, mà còn vươn lên khẳng định vị thế ngày càng cao ở khu vực và trên trường quốc tế. Đây chính là minh chứng rõ nét của việc vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới, đặc biệt là nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong một cục diện đầy biến động của khu vực và thế giới. Kiên trì đường lối đối ngoại của Đảng, linh hoạt về sách lược trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, Việt Nam sẽ không chỉ tiếp tục đứng vững trước những biến động phức tạp của thế giới và khu vực, mà còn có thể tận dụng cơ hội vươn lên khẳng định vị thế của đất nước./.

------------------------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153 

Lê Hải BìnhTS, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao - Theo Tạp Chí Cộng Sản

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness