TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 9
  • Hôm nay: 288
  • Tháng: 10293
  • Tổng truy cập: 5143611
Chi tiết bài viết

Những dự án tỷ USD ở Thủ Thiêm

Có gần chục dự án vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD đã được công bố, đề xuất hoặc đang xây dựng trên bán đảo đối diện lõi trung tâm Sài Gòn.

Khu đô thị Sala

Đây là khu đô thị phức hợp nằm trên giao lộ Mai Chí Thọ và đường Bắc Nam, thuộc khu chức năng số 5 và 6 Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư.

Dự án cung cấp 730.000 m2 sàn xây dựng gồm: căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại, dinh thự cùng với công trình tiện ích... Tháng 4/2014, khu dân cư thấp tầng và hệ thống kỹ thuật của khu đô thị này chính thức được xây dựng. Giai đoạn 2015 - 2018, việc 4 tuyến đường huyết mạch và cầu Thủ Thiêm 2 được hoàn thiện. Theo kế hoạch, đến năm 2020 Khu đô thị Sala cơ bản hoàn thành.

Đại Quang Minh là doanh nghiệp do Tổng công ty PTHT và Đầu tư tài chính Việt Nam, Công ty Cổ phần, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Ngân Bình, cùng ông Trần Đăng Khoa và Công ty CP Đầu tư Mai Linh thành lập năm 2011.

Năm 2012 Thaco (đại gia ngành ôtô) mua 30% cổ phần và năm 2014 mua thêm 15% cổ phần của Đại Quang Minh. Đến giữa năm 2016, Thaco đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Đại Quang Minh từ 45% lên 90%. Hai cổ đông sáng lập là Đầu tư Mai Linh đã thoái toàn bộ 37,5% vốn còn ông Trần Đăng Khoa giảm sở hữu từ 17,5% xuống còn 5%.

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương đã rút khỏi vị trí CEO Thaco để giữ vị trí Tổng giám đốc của Đại Quang Minh. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, ông Dương báo cáo với cổ đông đã hoàn thành giai đoạn một dự án Sala, gồm 4 tuyến đường chính và đi vào sử dụng tháng 2/2017.

Đại Quang Minh được xem là nhà đầu tư tiên phong vào Thủ Thiêm, với một loạt công trình lớn đang triển khai thông qua hình thức BT. Về đầu tư hạ tầng, Đại Quang Minh chịu trách nhiệm xây dựng 4 tuyến đường chính. Đó là đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn, đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía nam, cầu Thủ Thiêm 2 và cầu đi bộ. Dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm (quy mô khoảng 20ha) và công viên bờ sông (khoảng 9ha) đang được nhà đầu tư triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500.

Khu đô thị Sala đang dần hoàn thiện. Ảnh: Như Quỳnh

Khu đô thị Sala đang dần hoàn thiện. Ảnh: Như Quỳnh

Thành phố tỷ đô Eco Smart City

Dự án có vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng, tương đương gần một tỷ USD do Tập đoàn Lotte làm chủ đầu tư. Đại gia ngoại này đã dày công tìm hiểu thông tin và cơ hội đầu tư dự án này từ năm 2009. Đến 2013, Lotte đã đề xuất đầu tư dự án khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2a thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu chức năng 2a thuộc khu lõi trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có tổng diện tích đất gần 17ha. Trong đó, diện tích đất phát triển dự án khoảng 12,55ha, gồm 12 lô đất được quy hoạch xây dựng các cao ốc để hình thành trung tâm tài chính - ngân hàng quốc tế, khách sạn, thương mại, dịch vụ, dân cư đa chức năng và công trình giáo dục.

Để được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án khu phức hợp thông minh này, vào tháng 8/2015, Tập đoàn Lotte đã chấp nhận ký quỹ 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vào cuối tháng 4/2017, UBND TP HCM đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn liên danh nhà đầu tư gồm 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte gồm: Công ty Lotte Asset Development, Công ty Lotte Shopping, Công ty Lotte Hotel và Công ty Lotte Engineering and Construction làm nhà đầu tư thực hiện dự án khu phức hợp thông minh này.

Trước đây, ngoài Lotte còn có các nhà đầu tư Nhật là: Mitsubishi Corporation, Mitsubishi Estate Co. Ltd và Toshiba Corporation thể hiện quyết tâm tham gia dự án. Tuy nhiên, hiện dự án tỷ đô này chỉ còn 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte đầu tư thực hiện.

Quy mô của dự án khu phức hợp thông minh này gồm các khu thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng trên diện tích khoảng 5,12 hecta. Trong đó có chức năng tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong khu lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngoài khu phức hợp, nhà đầu tư còn triển khai đầu tư hoàn chỉnh 4 đoạn đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu phức hợp đồng bộ với hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên diện tích đất gần 2,4ha. Nhà đầu tư được quyền kinh doanh và khai thác công trình theo đúng quy định pháp luật. Riêng 4 đoạn đường gồm N15, N16, D8, D10, nhà đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ cho cơ quan Nhà nước quản lý.

Khu đô thị Eco Smart

Khu đô thị Eco Smart. Ảnh: Như Quỳnh

Khu phức hợp Empire City 1,2 tỷ USD

Quý II/2015, Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương có vốn điều lệ 1.649 tỷ đồng, được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Empire City tại trung tâm Thủ Thiêm. Dự án có quy mô 15 ha, bao gồm trung tâm thương mại, căn hộ, nhà hàng, khách sạn 5 sao với điểm nhấn là toà tháp 86 tầng, sẽ là toà nhà cao nhất Việt Nam khi hoàn thành.

Thời điểm lộ diện, tổng số vốn đầu tư của dự án được công bố 1,2 tỷ USD (khoảng 26.000 tỷ đồng). Chủ đầu tư dự kiến hoàn tất các thủ tục để khởi công vào quý IV/2015 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2022 (gồm 4 giai đoạn xây dựng).

Đến năm 2016, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi của Thành phố Đế Vương cho thấy Corredan CE PTE. LTD - một pháp nhân có trụ sở ở Singapore đã mua lại 40% cổ phần của các nhà đầu tư hiện hữu và trở thành cổ đông lớn nhất tại Empire City LLC.

Dự án gần nửa tỷ USD của CII

Đây là dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP HCM (CII) đã được nhận khoảng 90.000 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê), trả tiền thuê đất một lần cho toàn thời gian thuê.

Đổi lại, CII sẽ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo dự kiến của CII, các dự án đầu tư tại Thủ Thiêm sẽ có tổng cộng 965 căn gồm căn hộ cao cấp, biệt thự trên không, căn hộ sân vườn và các tiện ích như hồ bơi, khuôn viên cây xanh công cộng, siêu thị... Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 400 triệu USD. Doanh nghiệp đang lên kế hoạch bắt tay cùng đối tác Hong Kong Land phát triển dự án này.

Dự án 4 tỷ USD của Tập đoàn IPP và đối tác Mỹ

Năm 2016, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn và các nhà đầu tư Mỹ cũng đã đề xuất được đầu tư vào Thủ Thiêm dự án có quy mô 4 tỷ USD. Đây là tổ hợp cao 70 tầng, sẽ tích hợp nhiều chức năng: vui chơi giải trí, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại...Vị trí doanh nghiệp mong muốn thực hiện dự án nằm ở khu chức năng số 1 của Thủ Thiêm.

Khu phức hợp Sóng Việt 7.300 tỷ đồng

Tháng 9/2017, UBND TP HCM đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát đầu tư vào dự án Sóng Việt tại khu chức năng số 1 Thủ Thiêm. Tổng mức đầu tư dự án là 7.300 tỷ đồng, quy mô diện tích khoảng 75.965 m2, gồm 4 lô đất cạnh sông Sài Gòn.

Đây sẽ là trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ và nhà ở được xây dựng đồng bộ. Quốc Lộc Phát đã ký quỹ 100 tỷ đồng và nộp tiền sử dụng đất 2.000 tỷ cho 4 lô đất.

Công ty cổ phần Quốc Lộc Phát có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Đăng nắm 40%, ông Phạm Quang Hưng nắm 30%, và cổ đông khác.

Sau khi được giao làm chủ đầu tư dự án, cơ cấu cổ đông của Quốc Lộc Phát đã liên tục thay đổi. Cụ thể, Công ty bất động sản Keppel Land của Singapore đã mua lại 45% cổ phần của Quốc Lộc Phát từ các cổ đông cũ với tổng giá trị hơn 700 tỷ đồng. Mới đây, theo thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này vào ngày 3/5/2018, ông Hưng đã bán phần lớn cổ phần và chỉ còn sở hữu 14,09%.

Báo cáo "Thủ Thiêm - thời điểm vàng" do Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam công bố cuối năm 2017, từng hé lộ những cách thức các đại gia bất động sản tiếp cận quỹ đất tại khu đô thị mới này. JLL cho hay, ước tính có 71% số lô đất tại Thủ Thiêm đã được chính thức phê duyệt, đa phần về tay các đại gia hạ tầng, bất động sản.

Cách thức phổ biến để tiếp cận quỹ đất tại Thủ Thiêm là thông qua hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Theo đó, các lô đất được cơ quan quản lý Nhà nước cấp cho các nhà đầu tư để đổi lấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu đô thị mới. Hiện 45% tổng diện tích có thể phát triển đã được chính thức phê duyệt thông qua hợp đồng BT.

Ngoài BT, các ông lớn ngành địa ốc có thể tiếp cận quỹ đất Thủ Thiêm thông qua hình thức đấu thầu. Năm 2011, chính quyền thành phố bắt đầu đấu thầu các lô đất đầu tiên. Tính đến năm 2016, 10% diện tích có thể phát triển đã được chuyển giao thông qua quá trình đấu thầu cho các tập đoàn khác nhau, chủ yếu là các nhà đầu tư có quy mô từ lớn đến cực lớn.

JLL cho biết, dữ liệu từ Ban quản lý Thủ Thiêm, 16% trong tổng diện tích có thể phát triển sẽ được mời thầu trong thời gian tới đây. Đáng chú ý nhất trong kế hoạch mời thầu này là 5 lô trong khu chức năng số 2a. Hiện nay khoảng 62% trên tổng diện tích sàn (trên mặt đất) tại Thủ Thiêm vẫn chưa được tiến hành xây dựng.

Hà Thanh - Theo VnExpress

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness