TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 11
  • Hôm nay: 399
  • Tháng: 10848
  • Tổng truy cập: 5144166
Chi tiết bài viết

Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi không sợ bị ném đá, ném đá tôi ném lại!

Nói về quyết tâm mang đến cho người dân TP.HCM hơn 2.000 căn hộ nhỏ rẻ dù phải đấu tranh rất nhiều với các loại thể chế, kể cả bị "ném đá", ông Nguyễn Văn Đực cho biết: "Cuộc sống phải chấp nhận thách thức, tôi không sợ bị ném đá, ném đá tôi ném lại! Cuộc đời tôi thành bại là chuyện bình thường..."

[BizSTORY] Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi không sợ bị ném đá, ném đá tôi ném lại!

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản TP.HCM.

“Cơn bão” nhà giá rẻ đang thổi qua TP.HCM, với sự quyết tâm cao của bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và các ban ngành, thắp lên bao ước mơ cho những gia đình trẻ, những người nghèo.

Ít ai biết suốt bao năm qua, có một người đàn ông luôn đau đáu với nhà ở cho người nghèo, từng phải hứng chịu biết bao điều tiếng, thậm chí bị ném đá, bị phê phán gay gắt là “đi lùi lại đô thị hóa”, “ổ chuột trên tầng cao”, “căn hộ hộp diêm”… để mang lại hơn 2.000 căn hộ nhỏ với diện tích từ 25-45m2 cho những sinh viên mới ra trường, những cặp vợ chồng công nhân trẻ…

“Rác” của người giàu có khi là thiên đường với người nghèo! Bằng trí tuệ, tâm huyết, và cả sự dũng cảm không ngừng nghỉ, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã chứng minh được rằng nhà giá rẻ sẽ trở thành làn sóng đầu tư của năm 2017, một làn sóng thực tế nhất, nhân văn nhất, hướng đến đại bộ phận công dân của thành phố.

Nhìn lại những bước đi của thị trường địa ốc mấy năm qua, đánh giá của riêng ông như thế nào về sự chuyển hướng của các đại gia từ căn hộ cao cấp sang nhà giá rẻ? Sự chuyển hướng này có là thách thức lớn với các doanh nghiệp nhỏ?

Nếu gọi năm 2014 là năm khởi sắc, 2015 là năm thành công, thì năm 2016 là năm hãnh tiến và kiêu ngạo của thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên qua 2016, có thể thấy các nhà đầu tư đã quá kỳ vọng vào nhà cao cấp, từ Tân Cảng, Ba Son, Đại Quang Minh, Sala…, hình thành khu tứ giác và các vùng lân cận mà ngày xưa tôi đã cảnh báo, tổng cộng tới 20-30 ngàn căn hộ cao cấp, giá bán từ vài tỷ đến vài chục tỷ, chưa kể những căn hộ cả trăm tỷ đồng. Chưa bao giờ TP.HCM có số lượng “bom tấn” nhà cao cấp như vậy. Liệu có hấp thu được hay không, có cạnh tranh khốc liệt giữa các siêu đại gia về nhà siêu giá đó không?

Khi tốc độ mua chậm lại, người ta mới thấy thị trường nhà thấp giá đang bỏ trống. Cuối 2016 mới có những dự án trên dưới 1 tỷ đồng. Tháng 8/2016, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy đã có lệnh làm sao TP.HCM có nhà 100 triệu cho công nhân, và học tập kinh nghiệm của Bình Dương. Tuy nhiên không thể cứng nhắc với giá đó, vì đây là dự án Bình Dương đã khởi công cách đây 5 năm rồi.

Vingroup đã có tuyên bố làm nhà 700 triệu đồng trở lên. Đã có luồng sinh khí mới, chuyển hướng từ căn hộ cao cấp sang căn hộ giá rẻ. Siêu đại gia đã bước chân vào nhà giá rẻ, dẫn dắt thị trường, tạo quả đấm lớn, buộc doanh nghiệp nhỏ phải xem xét lại chiến lược của mình, làm sao cạnh tranh được với các siêu đại gia từ mẫu mã, trình độ thiết kế, thi công thế nào, để chống chọi lại sự cạnh tranh khốc liệt hơn của thị trường nhà giá rẻ. Đặc biệt phải liên kết với nước ngoài để hỗ trợ tài chính, quản lý… Tôi nghĩ bước chuyển này sẽ tạo nên một diện mạo mới rất tốt cho thị trường BĐS trong 2017.

Vậy theo ông, những xu hướng nào sẽ nổi bật trong 2017?

Theo tôi dự đoán, sẽ có ba xu hướng nổi bật. Thứ nhất, hàng loạt căn hộ nhỏ, rẻ ra đời theo yêu cầu của người dân, của thị trường, của Chính phủ. Bên cạnh các ông lớn như Vingroup, Mường Thanh, sẽ có thêm những đại gia có tiền, có năng lực nhảy vào thị trường này.

Thứ hai, khuynh hướng xanh hóa, đưa thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng vào ngôi nhà, tạo nên khuynh hướng đáng sống, nhân văn. Tuy nhiên thế nào là xanh thật và xanh giả còn phải bàn cãi rất nhiều. Tôi đã phát hiện một số dự án “xanh giả”, chưa thực sự xanh, chưa đúng với lời hứa hướng đến khách hàng, người dân, mà chỉ lấy chữ xanh nhằm đánh bóng thương hiệu, mục đích để câu khách. Tuy nhiên, người dân sẽ xem xét. Càng ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp làm xanh thì xanh thật và xanh giả sẽ bộc lộ ra. Người dân sẽ chọn xanh nào phù hợp nhất

Thứ ba, khuynh hướng nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam. Trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã âm thầm đến. Chuyện thế giới phẳng, người nước ngoài đã thâu tóm từ bán lẻ, chăn nuôi, hóa mỹ phẩm, nước ngọt… có lẽ BĐS là thị trường cuối cùng chưa bị thâu tóm. Trong tương lai, 2017 sẽ là năm khối đầu tư nước ngoài thâu tóm thị trường Việt Nam.

Nhìn lại sức mạnh nội tại của các nhà kinh doanh BĐS trong nước, nỗi lo lớn nhất của ông là gì trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này?

Chính là mối quan hệ giữa ngân hàng - BĐS - chứng khoán. Một bên kinh doanh, một bên cung cấp tài chính, nếu một trong hai thị trường gặp nguy hiểm thì BĐS gặp khó khăn. Tôi lo nhất là sức khỏe của ngân hàng. Mỗi ông lớn ngân hàng bị đưa về không đồng thì thất thoát chạy đi đâu? Vài chục ngàn tỷ số tiền mất ai chịu? Nhà nước có bù lỗ hay không? Ngân hàng Nhà nước có phải choàng tay bảo bọc đứa con hư hỏng…?

Lo ngại nhất là đổ vỡ của ngân hàng, những biện pháp kỹ thuật chuyển từ nợ xấu cũ thành nợ tốt mới rất nguy hiểm. Họ tìm cách chuyển cho một công ty nào đó đứng ra khai thác căn hộ, bán nợ cho người mua hàng. Có trường hợp người ta chỉ cần đóng 20% là được nhận nhà, rõ ràng nợ này chỉ đổi màu, nếu không khéo thị trường đóng băng thì nợ này sẽ treo, trở thành gánh nặng lớn. Nợ xấu chưa giải quyết tận gốc, che dấu vòng vòng quá giỏi, cả mội khối ung thư ủ bệnh còn đó khiến không ai có thể an tâm được.

Còn đương nhiên nhiều ảnh hưởng khác như nợ công quốc gia, thâm thụt ngân sách, nhưng không lo ngại bằng những bất ổn trong ngành tài chính. Rồi ông Trump lên, Biển Đông có dậy sóng hay không? Người ta ùn ùn bỏ nước ra đi, kể cả môi trường sống đô thị quá xấu, nhiều người ở Hà Nội có tiền phải bỏ vào TP.HCM, nhưng nếu TP.HCM không kiểm soát được kẹt xe, khói bụi, đến lúc nào đó TP.HCM cũng không còn là nơi đáng sống nữa, người ta lại bỏ ra đi.

Trước những luồng dư luận trái chiều về căn hộ nhỏ, rẻ cho công nhân, theo ông, làm thế nào để có thể biến giấc mơ thành hiện thực?

Bình Dương có nhà 100 triệu nhờ những thuận lợi, trước nhất là chính quyền Bình Dương mạnh dạn nhìn nhận căn hộ 30m2 là phù hợp cho người nghèo, và cần có một khu tập trung. Còn TP.HCM cứng nhắc, cứ lấy mỗi nhà là 4 người, tối thiểu phải 80m2, nên từ chối căn hộ 30m2. Câu chuyện bình quân 80m2 là phí lý, thậm chí phi nhân. Phải tìm hiểu bao nhiêu người ở TP.HCM đang ở dưới 3m2, 10m2, để tìm ra con số hợp lý, không thể so sánh với người giàu nhất.

Theo tôi biết con số 5m2 là phổ biến cho người nghèo, có nhà buổi tối một người phải ra ngoài để nhường chỗ cho một người được ngủ. Đó là nỗi đau, nỗi bất lực. Lãnh đạo thành phố có ai đến phòng trọ 15m2 không có ánh sáng, không có nhà vệ sinh không?

Vừa không làm được nhà cho người nghèo, lại còn mơ ước người nghèo và người giàu sống chung, mỗi dự án phải cắt ra 20% cho người nghèo. Tôi nghĩ đây là quy định không khả thi. Thử nghĩ Phú Mỹ Hưng, Ba Son, Tân Cảng cắt ra 20% thì liệu người nghèo có tiền mua hay không? Lãnh đạo Bình Dương có nhìn nhận đúng, thực tế, nhân văn. Dĩ nhiên phải chấp nhận ở xa một chút, giá cả mới phù hợp sức mua. Chúng ta phải tạo ra tiểu khu sống theo sức mua, sức bán của mình, đừng ảo tưởng người nghèo được thụ hưởng như người giàu.

Bình Dương còn có công ty trực thuộc chính quyền là Becamex, chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền, san lấp, làm đường, điện nước cây xanh không tính tiền, chỉ tính chi phí làm nhà thôi. Quay lại TP.HCM, có công ty nào trực thuộc thành phố làm được điều đó không? Tổng công ty địa ốc Sài Gòn đều đã cổ phần hóa, Nhà nước không còn quyền lực, không trông chờ gì vào “quả đấm thép” này.

TP.HCM không có sức mạnh ngoài lực lượng tư nhân. Vậy chính quyền phải đối xử thế nào thì doanh nghiệp mới cùng làm? Phải có ban chuyên trách, giảm mọi thủ tục phiền hà  cho các dự án nhà nhỏ rẻ, nhà nước hỗ trợ đồng hành tối đa từ thủ tục các phường lên tới sở. Chúng tôi bị ức hiếp nhiều rồi, tất cả lại đổ vào giá thành. Có nơi ít nhất gần 1%, có nới 5-7%, đương nhiên giá tăng.

Chỉ còn một cách chính quyền vào cuộc bằng sự hỗ trợ với ban nhà giá rẻ trực thuộc các sở, hỗ trợ từng dự án. Nếu ban này hoạt động tốt sẽ có doanh nghiệp nhảy vào. Vừa rồi nghe Sở Xây dựng mở cuộc thi thiết kế nhà giá rẻ, thành phố không cần dạy chúng tôi phải làm thế nào. Chúng tôi sẽ tìm hiểu toàn thế giới về mẫu mã, thiết kế, để tìm ra cách tốt nhất. Đừng làm những chuyện bao cấp, bao đồng như thế. Nếu thành phố có một chính quyền kiến tạo, tạo ra mặt bằng hạ tầng tốt, doanh nghiệp sẽ hành động ngay. Sẽ có căn hộ 5 tầng từ 200 đến 300 triệu. Đó là điều có thể làm được.

Vẫn còn một số người ngăn cản phát triển nhà nhỏ rẻ, cho rằng làm nát đô thị?

Tôi từng điều hành nhiều chung cư từ 20-45m2 vẫn sống tốt, không hề ổ chuột bẩn thỉu, nhếch nhác. Quan trọng là cung cách quản lý của chúng ta, nếu quản lý tốt không bao giờ có con chuột nào, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Căn hộ nhỏ rẻ sẽ là mái ấm cho nhiều gia đình, còn hàng triệu nhà trọ ổ chuột ở TP.HCM sao không ai lên tiếng, lại lên tiếng ngăn cản nhà nhỏ rẻ?

Có người cò cho rằng nhà nhỏ rẻ sẽ làm tăng dân cư, gây tắc nghẽn giao thông đô thị! Sai, Bình Dương đâu xây nhà nhỏ rẻ ở trung tâm? Ngược lại ở Sài Gòn có ai làm nhỏ rẻ ở quận 3, quận 1? Phải làm ở vùng ven Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi chứ. Tính kỹ thì nhà nhỏ rẻ sẽ kéo người dân ra vùng ven chứ không tụ vào trung tâm, giúp giãn dân đô thị. Lợi dụng tuyến giao thông metro tốt sẽ có nhà giá rẻ ở xa, dãn dân trung tâm đang quá nén.

Nhiều người kết án nhà nhỏ rẻ ở vùng ven, sao không kết án nhà cao cấp ở trung tâm đang làm nghẽn giao thông, ngập nước? Mai mốt khu Nguyễn Hữu Cảnh có thoát kẹt xe hay không? Phải mạnh dạn lên tiếng chính hàng chục ngàn căn nhà cao cấp ở trung tâm đang làm nghẽn mạch giao thông đô thị.

Suốt mấy năm qua, Đất Lành đã âm thầm quyết tâm mang đến cho người dân thành phố hơn 20 ngàn căn hộ nhỏ rẻ như thế?

Tôi tự hào khi chung cư Thái An với những căn hộ diện tích từ 20-45m2 đã có rất nhiều người trẻ về đó, có người nhận nhà bốn hôm sau làm đám cưới. Có người nhận nhà tuần sau đẻ con, rất xúc động. Sau mấy năm, Thái An tự hào có thành phần trẻ nhiều nhất, có trình độ học vấn cao, 60-70% là người trưởng thành, tốt nghiệp đại học, có mật độ nhà báo nhiều nhất.

Để làm được điều này, ông đã phải đấu tranh rất nhiều với các loại thể chế, kể cả bị ném đá, bị lên án?

Cuộc sống phải chấp nhận thách thức, tôi không sợ bị ném đá, ném đá tôi ném lại! Cuộc đời tôi thành bại là chuyện bình thường, tôi đã từng bị lấy hết tài sản khi công trình vừa bàn giao, vì bị lãi ngân hàng “ăn” hết. Cuộc sống tàn bạo lắm, nhưng tôi vẫn yêu cuộc đời này.  

Tôi vui vì số người ủng hộ tôi ngày một tăng lên. Trên Facebook tôi cũng bị ném đá nhiều vị chuyện cách ly người nghèo và người giàu, đó là cách giải quyết rốt ráo, đừng tráo bài cho nhau, không thực tế, ngụy nhân văn, giả tạo. Nói mà không có giải pháp giải quyết, nói chỉ để sướng cái mồm thôi, chứ họ có đài thọ cho người nghèo một ly cà phê 80 chục ngàn ở khu căn hộ cao cấp không?

Tôi biết để làm được điều mình mơ ước phải từ từ, từng bước. Điều hạnh phúc nhất với tôi là khi biết tin ông Đinh La Thăng hướng về nhà giá rẻ, báo chí cũng nhẹ lời hơn. Mới đây HTV đã mời tôi phát biểu ý kiến. Nhục mạ căn hộ hộp diêm, ổ chuột trên tầng cao theo tôi là thái độ thiếu cầu thị của báo chí.

Nhìn lại đạo đức kinh doanh của người làm BĐS, ông có lo ngại nhiều không về vấn nạn “tham nhũng chính sách”?

Thật ra mà nói nhiều DN của mình thành công không bằng năng lực thực sự, mà bằng mua chuộc, lợi dụng thời cơ, đặc biệt trong ngành BĐS yếu tố đó càng nhiều. Phần lớn thành công nhờ may rủi thời cuộc, mau rủi chính sách, thậm chí mua chính sách. Có rất nhiều khu đất vàng, đất bạc vào tay siêu đại gia. Trong các loại tham nhũng thì tham nhũng BĐS là lớn nhất, một phi vụ có thể lời 3.000-5000 tỷ đồng.

Kinh doanh là cuộc chiến, tôi không kết tội doanh nghiệp mà kết tội thể chế. Những lỗ hổng trong quản lý, chính sách  làm cho thất thoát, tham nhũng cực lớn trong ngành bất động sản.

Ông nghĩ gì về giá trị của niềm tin với một người kinh doanh?

Tôi rất buồn khi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tính hợp tác chưa cao, tinh thần hỗ trợ không nhiều, đôi lúc có sự chèn ép, trục lợi. Đứng dưới góc độ hiệp hội ngành nghề, tác động hỗ tương rất thấp. Một con ngựa đau bị những con khác chèn ép, áp bức. Tôi không kỳ vọng lắm vào các hội.

Để giữ cho mình động lực sống, động lực kinh doanh, tôi có niềm tin vào đất nước, dân tộc này phải trường tồn, phát triển trước quá nhiều khó khăn.

Đời tôi có hai nghề, đầu tiên là nghề xây dựng, thứ hai là nghề BĐS, không trực tiếp làm chủ cũng làm thuê. Là người cả đời thiết kế chung cư, tôi rất yêu chung cư, sau này nhiều năm nữa tôi vẫn ở chung cư, chung cư đã đi vào máu, vào tim, vào óc của tôi từ nhiều năm rồi.

Với tư cách kỹ sư xây dựng, tôi vẫn nghĩ về chất lượng công trình sao cho tốt, rẻ, hạnh phúc với cái nghề đã mang theo con người mình hơn 40 năm qua.

Với vai trò người lãnh đạo doanh nghiệp gia đình, tôi tự hào với đồng tiền nhỏ, đã đưa đến xã hội 6 chung cư chất lượng tốt, giá rẻ so với khu vực, được lòng dân.

Sắp tới Đất Lành sẽ ra mắt dòng sản phẩm mới The xanh. Rất xanh từ hình thức đến nội dung, đó là tấm lòng, tâm trí và niềm tin của mình cho những cư dân xanh đúng nghĩa.

KIM YẾN

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness