TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 21
  • Hôm nay: 348
  • Tháng: 12952
  • Tổng truy cập: 5158216
Chi tiết bài viết

Sài thành - ẩm thực phố

Với 6 con phố ẩm thực, chưa thể phác họa đầy đủ “bản đồ ẩm thực” của một mảnh đất hội tụ dân tứ xứ như Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, 6 con phố ẩm thực ấy cũng đủ trở thành những nét chấm phá để người ta có thể hình dung về sự phong phú vô ngần của nền ẩm thực Nam Bộ...

QĐND - Với 6 con phố ẩm thực, chưa thể phác họa đầy đủ “bản đồ ẩm thực” của một mảnh đất hội tụ dân tứ xứ như Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, 6 con phố ẩm thực ấy cũng đủ trở thành những nét chấm phá để người ta có thể hình dung về sự phong phú vô ngần của nền ẩm thực Nam Bộ.

Phố bánh tráng trộn

 

Bánh tráng trộn nổi danh ở đường Nguyễn Thượng Hiền.

Bánh tráng trộn là món ăn phổ biến từ Trung Trung Bộ trở vào. Thế nhưng, có lẽ chỉ có đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, mới được mệnh danh là “phố bánh tráng trộn”. Bởi hai lẽ…

 Thứ nhất, về mặt số lượng cửa hàng. Đường Nguyễn Thượng Hiền tập trung hàng chục tiệm bán bánh tráng trộn lớn, bé. Nhiều đến mức in đậm vào tâm trí của thực khách, khiến người dân Thành phố Hồ Chí Minh nhớ bánh tráng trộn là nghĩ tới đường Nguyễn Thượng Hiền.

Thứ hai, là sự đa dạng về phong cách ẩm thực. Tên gọi chỉ có một nhưng mỗi tiệm bánh tráng trộn ở đường Nguyễn Thượng Hiền lại có một cách chế biến riêng, một bí quyết riêng để khách trở lại với mình. Trong số đó, nổi tiếng nhất có lẽ là tiệm bánh tráng trộn chú Viên. Bánh tráng trộn của tiệm này vừa ngon, vừa đầy đặn. Vì thế, điều dễ hiểu là tiệm này luôn quá tải, thực khách thường phải chờ 20-30 phút mới có cơ hội được thưởng thức.

Một tiệm khác được bình chọn nổi tiếng “không kém mấy” so với tiệm chú Viên là bánh tráng trộn Thảo. Món bánh tráng trộn ở đây được đánh giá là khá thơm và đậm mùi, đặc biệt là mùi hành phi chín tới, thơm nhẹ, không đắng, ăn kèm với gia vị rất ngon.

Bánh tráng trộn đường Nguyễn Thượng Hiền thu hút thực khách không chỉ bởi ngon mà giá còn khá dễ chịu. Tùy nhu cầu, mỗi bịch dao động 10-15 nghìn đồng.

Phố bạch tuộc nướng

Chiều đến, bất cứ ai đi qua đường An Dương Vương, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, đều không thể không ngoái nhìn hàng chục chiếc xe đẩy với bếp than đỏ hồng. Trên đó là món bạch tuộc nướng sa tế tỏa hương theo gió, làm dậy mùi cả một góc đường.

 

Món bạch tuộc nướng “mê hoặc” trên đường An Dương Vương.

Món bạch tuộc nướng đường An Dương Vương được chế biến khá đơn giản. Bạch tuộc mua về được luộc sơ để tẩy hết chất nhờn. Sau đó, mỗi nhà có một cách ướp gia vị riêng. Có khách, người bán mới bỏ bạch tuộc lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Nướng khéo là khi bạch tuộc vừa chín tới, giòn, tỏa mùi thơm phức. Người bán dùng kéo cắt thành từng phần nhỏ vừa ăn. Thực khách chấm bạch tuộc nướng với nước chấm hơi chua, cay xé lưỡi. Vị cay làm át đi vị tanh và tăng thêm hương vị cho món ăn. Cái giòn của những chiếc râu bạch tuộc, cái nóng của món ăn cùng sa tế dậy mùi thơm, hòa trong vị cay của nước chấm làm cho món ăn thêm đậm đà.

Mỗi phần bạch tuộc nướng sa tế ở đường An Dương Vương có giá khoảng 50.000 đồng, một mức giá không rẻ nhưng hợp lý cho một món ăn ngon.

Phố ốc Vĩnh Khánh

Khó có thể đếm hết số hàng ốc ở phố Vĩnh Khánh, quận 4. Bởi, mỗi khi chiều tới, khách dễ dàng bị choáng ngợp vì số lượng hàng bàn ghế, bếp than và có thể là “tất cả các loại ốc trên đời”. Thế vẫn chưa hết, mỗi hàng ốc lại có hương vị riêng, đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng… với các loại ốc từ quen thuộc như: Sò lông, sò huyết, móng tay… cho đến những món ốc hiếm như: Bạch ngọc, vú nàng, tu hài…

 

Đường Vĩnh Khánh với “trên trời, dưới… ốc”.

Trong số cả trăm hàng ốc trên đường Vĩnh Khánh, càng ghẹ rang muối của quán ốc Oanh là một trong những món thu hút đông thực khách. Càng ghẹ chắc, to được rang muối ớt đỏ tươi. Đây là món cay nhất của quán nên nhiều thực khách vừa hắt hơi, vừa xuýt xoa khi thưởng thức.

Ở bình diện “chung”, món đặc sản của phố ốc Vĩnh Khánh là gỏi ốc đắng. Ốc đắng nhỏ, màu nâu sẫm, đuôi nhọn, sống ở ao, hồ, sông, rạch, mương. Gỏi ốc được chế biến khá cầu kỳ. Ốc được rửa sạch bùn đất, ngâm với nước lạnh có trái ớt đâm giập. Khi ốc nhả hết nhớt, cho ốc vào nồi luộc cùng sả, lá ổi, lá chanh. Ốc chín đổ ra rổ để ráo, chờ nguội, dùng tăm nhọn khều thịt ốc. Phi thơm hành, xào sơ ốc. Bắp chuối chọn phần non nhất, xắt mỏng, ngâm sơ qua nước lạnh có ít nước cốt chanh, vớt ra rổ. Khi bắp chuối ráo nước, cho ốc đắng, nước cốt chanh, đường, nước mắm, rau răm xắt nhuyễn vào tô, trộn đều. Khi ăn múc gỏi ra đĩa, rải lạc rang lên trên. Món gỏi này dọn kèm nước mắm chua ngọt và bánh phồng tôm. Món gỏi ốc đắng mang đủ vị chua, cay, mặn, ngọt của gia vị, lại thêm cái giòn, béo của ốc.

Phố sủi cảo

 

Món “định danh” nên “phố sủi cảo” Hà Tôn Quyền.

Hơn 30 tiệm bán sủi cảo đã biến con phố nhỏ Hà Tôn Quyền của quận 5 trở thành “phố sủi cảo” và là nơi bán sủi cảo ngon nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Dù “trăm hoa đua nở” nhưng có 3 món mà bất cứ quán nào ở đây cũng bán là: Sủi cảo chạp, sủi cảo thập cẩm và sủi cảo chiên. Sủi cảo chạp chính là món sủi cảo “không người lái”, chỉ có màu vàng óng mịn của sủi cảo và màu xanh của rau cải. Sủi cảo thập cẩm thì đúng như tên gọi, đủ các vị: Viên chả cá tươi dong, miếng da heo, mực tro, rau cải… và tất nhiên là sủi cảo. Món này lại được ăn cùng loại nước chấm khá cầu kỳ, gồm: Giấm đỏ, xì dầu và sa tế, mang vị chua ngọt và cay. Thêm bát nước lèo ngọt và thanh được nấu từ nước hầm xương với cải ngọt, mực và các loại hải sản. Món mực trong tô sủi cảo này rất đặc biệt, rất dày, ăn giòn, khi ăn không phân biệt được đây là mực khô hay mực tươi. Còn sủi cảo chiên thì chấm với thứ nước chấm chua chua, ngòn ngọt, cay cay, ăn kèm với rau xà lách.

Về cơ bản, các loại sủi cảo ở Hà Tôn Quyền giống nhau. Sự khác biệt của mỗi quán nằm ở bí quyết gia giảm gia vị. Vì thế, dân sành ăn luôn “bỏ” vào tai nhau những cái tên quán: Quán số 193, quán Ngọc Ý, quán Thiên Thiên…

Phố trái cây đĩa

 

Món trái cây đĩa “ngon, bổ, rẻ” trên phố Nguyễn Cảnh Chân.

Nguyễn Cảnh Chân có lẽ là một trong những con đường đặc biệt nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, nơi đây chỉ bán duy nhất một mặt hàng. Đó là trái cây đĩa. Vì thế, đường Nguyễn Cảnh Chân đã được các “ẩm thực gia” định danh là “phố trái cây đĩa”.

Ban đầu, “phố trái cây đĩa” chỉ có 1-2 hàng. Dần dần, “tiếng lành đồn xa”, lượng thực khách đổ về ngày càng đông, số lượng hàng quán cũng tăng theo cấp số nhân. Trước đây, trái cây ở đây bán theo “mùa nào thức nấy”. Nay thì đủ loại: Dứa, dưa hấu, xoài, mận, cóc, ổi, dừa, nhãn, thanh long, sa bô chê, sầu riêng… với tiêu chí “ngon, bổ, rẻ”.

Mỗi đĩa trái cây ở Nguyễn Cảnh Chân thường có 5-6 loại, được cắt vuông vức, trên trải một lớp đá bào, si-rô và sữa, ăn kèm với mứt dừa, rau câu. Người dùng cứ từ tốn thưởng thức từng loại trái cây. Thỉnh thoảng dừng lại, hút một hơi dài phần si-rô sữa được thêm đá pha loãng béo mềm, thơm nhẹ. Thành phần giống nhau nên bí quyết hơn nhau ở các quán tại đây là độ tươi của trái cây, tỷ lệ si-rô sữa và độ ngọt của mứt dừa. 

Phố lẩu cá kèo

 

Lẩu cá kèo ở đường Bà Huyện Thanh Quan làm say lòng du khách mọi miền. Ảnh: Ngọc Hoan

Cá kèo vốn là đặc sản của miền Tây Nam Bộ, nhưng lại đặc biệt nổi tiếng ở đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Cá kèo sinh sống ở những vùng nước lợ như: Cửa sông, kênh rạch, ruộng trũng, các vuông nuôi tôm, dài khoảng 10-15cm, to bằng ngón tay, da trơn nhớt, trên đầu lưng có nhiều sọc, hình dáng như con cá bống. Cá kèo sinh sôi nảy nở nhiều nhất vào mùa nước nổi.

“Hiện diện” ở đường Bà Huyện Thanh Quan, cá kèo “giương danh” với món lẩu. Đó là sự hòa hợp của những con cá tươi ngon, săn chắc và nước lẩu lá giang chua cay nhẹ làm say lòng tất cả thực khách mọi miền. Chưa hết, cá kèo còn được chế biến thành nhiều món ăn: Cá kèo kho tiêu, cá kèo nướng, cá kèo chiên giòn… Mỗi món, mỗi cách chế biến cá kèo đều có hương vị thơm ngon riêng biệt nhưng lại có chung một vị đăng đắng của ruột, mật cá, béo béo của thịt.

 

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness