TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 11
  • Hôm nay: 521
  • Tháng: 6004
  • Tổng truy cập: 5151268
Chi tiết bài viết

Sơn Trà ký sự-Kỳ 1: Chuyện về ông thần rừng

“Nếu có sự kết hợp hài hòa nhất giữa tự nhiên và xã hội thì sự kết hợp đó chính là Hoàng Đình Bá” (giáo sư Trần Quốc Vượng). Và khi nhắc đến Sơn Trà, không thể không nhắc đến ông thần rừng này.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Sơn Trà là vào năm 1978, lúc tôi đang là bộ đội, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra và cả nước đang chuẩn bị chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc. Toàn đại đội của tôi được lệnh vào Sơn Trà bằng tàu quân sự qua đường biển, nói là để “truy quét tàn quân địch” nhưng thực chất có lẽ là tham gia làm tiền trạm cho cấp trên kiểm soát một vị trí chiến lược nhằm chuẩn bị bố trí phòng thủ nếu chiến tranh diễn ra trên toàn quốc.

Voọc ở Sơn Trà, loài linh trưởng cần đươc bảo vệ

Chúng tôi ở đây suốt 1 tuần lễ, ngày hành quân trong rừng, tối ngủ trong rừng. Chẳng thấy “địch” ở đâu, chỉ thấy thiên nhiên vô cùng hùng vĩ. Lúc đó Sơn Trà vẫn là rừng nguyên sinh, những nơi chúng tôi đến chưa từng có dấu vết của con người. Vị trí đóng quân ban đêm tôi cũng không biết là ở đâu, chỉ biết là có hôm thiếu thuốc lá, anh em thèm thuốc cử người lén xuống Thọ Quang mua thuốc, đi từ chạng vạng ngày hôm trước mãi đến sáng hôm sau mới về lại tới nơi. Sơn Trà là thực thể thiên nhiên viên mãn, vẻ đẹp của nó chỉ có thể chiêm ngưỡng từ xa, đi trong đó như chúng tôi, dù bất khả kháng, nhưng cũng đã là sự thô lỗ bất kính rồi, huống hồ là “băm nát” nó. Vì lẽ đó mà trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về rừng cấm quốc gia, cả việc “gây tiếng ồn” cũng bị cấm.

Lần thứ hai tôi đến Sơn Trà và ngủ đêm trong rừng rậm cùng với ông “thần rừng” Hoàng Đình Bá vào 28 năm trước, khi tôi viết một bút ký dài “Rừng vẫn chưa xanh lá” về cuộc đời ông cùng số phận điêu linh của những cánh rừng, đăng trên tạp chí Đất Quảng vào năm 1989. Đó là nhà khoa học nguyên Trưởng ty Lâm nghiệp Quảng Nam Đà Nẵng, người mà Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công sinh thời gọi là con chim đầu đàn về lâm sinh không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á, đã bị cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam 12năm trước đó, sau khi ngành lâm nghiệp tỉnh này, dưới sự điều khiển của ông, đã căn bản phủ xanh toàn bộ đất trống đồi núi trọc chỉ hơn 2 năm sau giải phóng. Ông bị kết tội là “tù binh của giai cấp tư sản”, do ông đã tận dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế để khôi phục và bảo vệ rừng, gắn việc khôi phục và bảo vệ rừng với lợi ích chính đáng của người dân.

Ông “thần rừng” Hoàng Đình Bá

Cái tội tày đình của ông Bá chính là cái công lừng lẫy của ông đối với quê hương tôi. Chính vì vậy mà ông Võ Chí Công từng nhắc đi nhắc lại với lãnh đạo Quảng Nam Đà Nẵng phải khôi phục lại toàn bộ vị trí công tác cho ông Bá, nhưng lãnh đạo nhiệm kỳ sau lại tế nhị không tiện lật lại sai lầm của lãnh đạo nhiệm kỳ trước, trong khi “đương sự” thì không hề kêu oan. Tôi đã gặp trực tiếp ông Đỗ Quang Thắng khi ông còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để hỏi về chuyện này, ông Thắng chỉ bảo “Không thấy khiếu nại”.

Tôi cũng nhiều lần gặp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng Hồ Nghinh, người tôi vô cùng ngưỡng mộ, dù ông chính là người ký quyết định đuổi ông Bá ra khỏi Đảng, một quyết định ông không thể không ký dưới sức ép của bộ máy quan liêu. Khi nhắc đến ông Bá, khuôn mặt thanh thản ung dung của ông Hồ Nghinh bỗng chùng lại, đôi mắt thoáng buồn, và ông chỉ hỏi “Anh Bá bây giờ có khỏe không?”.

Dự án du lịch nghỉ dưỡng đào xới Sơn Trà

Ông Hồ Nghinh thuộc hàng lãnh đạo đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, khi làm Phó ban Kinh tế Trung ương, ông là một trong những tác giả giúp Tổng bí thư Trường Chinh hoạch định đường lối đổi mới cho Đại hội VI. Sau này tôi mới biết, khi tham gia hoạch định đường lối đổi mới của Đảng, ông Hồ Nghinh đã rất nhiều lần tham vấn ý kiến cái ông “tù binh của giai cấp tư sản” này. Và hai ông tự nhiên trở thành tri âm tri kỷ. Cả ông Hoàng Đình Bá và ông Hồ Nghinh đều là bậc hiền sĩ, không thể dùng sự thị phi thông thường để xét đoán mối quan hệ của họ.

Còn tôi, vì bài báo đó mà sau khi tôi rời Đà Nẵng ra Hà Nội vào năm 1991, chi bộ đã gọi về thi hành kỷ luật “cảnh cáo”. Thủ tưởng cơ quan tôi rất áy náy, ông phải truyền đạt lại ý kiến của lãnh đạo tỉnh rằng “Nội dung bài viết thì đúng rồi, nhưng đồng chí là đảng viên mà lật lại một quyết định của Tỉnh ủy là đồng chí mắc sai phạm”.

Chuyện tôi bị kỷ luật chẳng có gì đáng nói. Tôi nhắc qua sự kiện trên cũng không phải để tiếp tục kêu oan gì cho ông Bá. Ông đã không kêu oan, không khiếu nại ngay từ đầu. Đối với ông, việc bị cách chức, bị khai trừ khỏi Đảng chẳng phải là tai nạn gì nghiêm trọng, nó giống như khi đi đường vướng một hòn đá bị vấp ngã, lập tức đứng dậy phủi bụi đi tiếp, quên ngay cái vấp ngã đó. Ông sống hồn nhiên như cây cỏ và dành tâm trí cả đời cho cây cỏ.

Nói về Sơn Trà, không thể không nói đến Hoàng Đình Bá. Khi Phó thủ tướng Nguyễn Duy Trinh thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 41-TTg ngày 24.1.1977 đưa Sơn Trà vào danh mục 10 khu rừng cấm quốc gia cùng các biện pháp bảo vệ chúng, Hoàng Đình Bá lúc đó đang làm Trưởng ty Lâm nghiệp Quảng Nam Đà Nẵng. Ông là người bảo vệ Sơn Trà tích cực nhất, như thể cây cỏ, thú hoang, khe suối nơi này là vườn nhà của ông. Khi đương chức, ông không những thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ rừng cấm mà còn cho phủ xanh toàn bộ bãi cát ven Sơn Trà, dọc đến Non Nước, thành rừng dương liễu phòng hộ. Dải rừng phòng hộ đó ngày nay đã bị phá sạch không còn dấu vết.

Sau khi bị kỷ luật, trong một thời gian dài, hàng ngày ông có mặt tại Sơn Trà từ 4 giờ sáng, trước hết để… đếm người đốn củi, sau đó là khảo nghiệm cây cối và các dòng chảy. Chính ông đã tìm được 16 con suối trong rừng cấm và phát hiện 27 con đường mà người ta lên để chặt phá rừng. Ông cảnh báo với lãnh đạo, rằng với tốc độ phá rừng như vậy không bao lâu nữa Sơn Trà sẽ trở thành hoang trọc, những con suối sẽ cạn dòng, rằng Sơn Trà bị phá sẽ khiến cho nhiệt độ thành phố Đà Nẵng tăng lên. Tôi có dự một cuộc hội thảo, tại đó Hoàng Đình Bá đã trình bày phác thảo một dự án – dự án Vườn quốc gia Sơn Trà – Hải Vân, mở rộng rừng cấm nối với các khu rừng nguyên sinh thành một vòng cung quanh Đà Nẵng giáp với núi Hải Vân. Giáo sư Trần Quốc Vượng có mặt lúc đó đã thốt lên: “Nếu có sự kết hợp hài hòa nhất giữa tự nhiên và xã hội thì sự kết hợp đó chính là Hoàng Đình Bá”.

Giờ nhìn lại càng thấy thương ông Bá. Những người già quê tôi gọi ông là ông thần rừng. Ông đúng là một ông thần rừng thứ thiệt. Nhưng té ra, điều mà ông thần rừng này lo lắng chẳng thấm vào đâu so với sự tàn phá khủng khiếp mà thủ phạm chính không phải là dân mà là những người lãnh đạo có chức có quyền. Tính đến năm 1986, toàn bộ diện tích rừng bị dân phá để lấy củi và gỗ chỉ mất khoảng 20ha, cộng với 2,5ha người Mỹ trước đây phá để làm căn cứ quân sự (thực chất là làm sân bay trực thăng để đưa xác chết của binh sĩ tử trận về nước), tổng cộng chỉ mất 22,5ha. Trong khi hiện nay, 1.840ha rừng cấm, chiếm 41% tổng diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đã bị xóa sổ và được hợp thức hóa bằng các thủ thuật hành chính.

Hoàng Hải Vân - Theo Một Thế Giới

*****

SAU LŨ LỤT, NƯỚC NGẦM SẼ CẠN KIỆT 

Ấy là do rừng bị phá. Nhưng đạo lý đó của thiên nhiên vẫn bị các bề trên Tài nguyên và Nông nghiệp cố tình tung hỏa mù để chạy tội. Lũ lụt hay hạn hán giờ đã có con ma để đổ tội : Biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu diễn ra từ khi trái đất mới hình thành, chưa có lúc nào là không biến đổi,  nay tự nhiên dựng lên thành một con ma cho tội ác núp bóng. Cái chương trình chống biến đổi khí hậu mỹ miều gì đó đã bị chính phủ Mỹ “bái bai” là có lý do của họ. Tổng thống Trump gọi nó là “bịp bợm”. Đừng nghĩ ông già bạt mạng này hồ đồ muốn nói gì thì nói, đằng sau ông ấy là giới khoa học tinh hoa của nước Mỹ, những người không bị các nhóm lợi ích hưởng lợi từ sự phình to chính phủ chi phối. Nhưng cái con ma biến đổi khí hậu kia sẽ nói vào dịp khác. Tút này chỉ nói một đạo lý dễ hiểu nhất.

Nước trên mặt đất và trên biển bốc hơi tụ lại thành mây. Mây gặp lạnh hoàn nguyên thành nước, rơi xuống đất gọi là mưa. Cái này trẻ con cũng biết. Dù là mưa to hay mưa nhỏ thì nước mưa một phần rớt xuống biển, một phần rớt xuống đất. Trên mặt đất, nước mưa một phần sẽ thấm xuống đất, một phần sẽ tràn xuống sông suối, từ miền ngược chảy xuống miền xuôi, nếu mưa to sẽ sinh ra lũ lụt. Cái này chưa cần học hết tiểu học cũng hiểu. Khi đất nước còn rừng, vẫn có lũ lụt, nhưng cái hại của lũ lụt không bằng cái lợi của nó, vì lũ lụt mang phù sa bồi đắp đất đai làm tươi tốt mùa màng, thỉnh thoảng mới có một trận lụt lớn. Quê tôi ngày xưa năm nào không có lụt, năm đó mùa màng thất thu. Đồng bằng sông cửu long cho đến hiện nay, năm nào không có lũ thì rất nhiều người dân khốn đốn. Cho nên, lũ lụt bản thân nó không phải là thiên tai, chỉ có lũ lụt diễn ra bất thường mới là thiên tai. Dân ta mấy ngàn năm nay vẫn dựa vào sự tuần hoàn của thiên nhiên mà sinh cơ lập nghiệp.

Khi còn rừng, cây cối và lá mục sẽ giữ một lượng lớn nước mưa để chúng thấm từ từ xuống đất. Lượng nước mưa này sẽ bổ sung vào tầng nước ngầm. Nước ngầm tích tụ trong lòng đất và lan tỏa khắp nơi để giữ gìn sự sống cho muôn loài. Vì sao mùa khô không mưa sông suối vẫn có nước ? Đó là nước ngầm trong rừng tiết ra thành những con suối, nhiều suối đổ ra thành sông, chảy quanh năm không dứt. Ở những nơi không có sông suối, con người phải sử dụng nước ngầm (bằng đào giếng, khoan giếng…) để phục vụ ăn uống, sinh hoạt và sản xuất, đó là quà tặng của thiên nhiên, điều này ai cũng biết, không cần phải nói dài dòng.

Khi rừng bị tàn phá thì tai họa mới xảy ra. Không còn rừng nên mưa xuống trên mặt đất không còn gì giữ nước,  nước phải tràn nhanh ra sông suối và chảy tuột hết ra biển, rừng càng bị tàn phá thì tần suất và tốc độ của lũ lụt càng dữ dằn. Tình trạng đó đang diễn ra ở miền trung, không ai là không biết. Lũ lụt ào ạt dữ dằn, nhưng liền sau đó mặt đất sẽ nhanh chóng khô hạn, vì lượng nước khổng lồ đó đâu có thấm xuống đất bao nhiêu. Càng khô hạn, con người càng phải khai thác nước ngầm. Khai thác nhưng không được bổ sung, vì có rừng đâu mà giữ nước cho thấm xuống đất, cho nên nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Tình trạng nước ngầm cạn kiệt đã được báo động hàng chục năm nay nhưng mọi giải pháp đều giải quyết trên ngọn, không có một tác dụng gì. Vì mọi giải pháp đều né tránh nguyên nhân căn bản là phá rừng.

Lũ lụt gây chết người hàng loạt, gây ra cảnh màn trời chiếu đất, tang thương đói khổ, điều đó ai cũng thấy. Và chúng ta, mỗi người một tay, đang hết lòng góp tiền góp sức, kẻ ít người nhiều giúp đỡ đồng bào mình. Nhưng nước ngầm cạn kiệt có gây chết người gây đói khổ không ? Chắc chắn là gây chết người, gây đói khổ không ít hơn lũ lụt, đó là những cái chết do bệnh tật, do suy dinh dưỡng, chết âm thầm phân tán khắp nơi, không ai thống kê, truyền thông không nhìn thấy. Đó là chưa kể, Bộ Nông nghiệp và các cơ quan gọi là khoa học, đã mở đường để cho mỗi năm hơn 100 ngàn tấn thuốc trừ sâu cùng vô số những hóa chất độc hại phủ xuống đất đai, ngấm vào các tầng nước ngầm. Nước ngầm vừa cạn kiệt, vừa bị nhiễm độc, năm sau trầm trọng ít nhất là gấp đôi năm trước.

HOÀNG HẢI VÂN từ face book

 *****

Làm một dự án thủy điện nhỏ ăn mấy đời không hết…

      Mình quen một ông cỡ trung trung trước đây làm quản lý, điều hành các dự án điện ở miền Trung và Tây Nguyên của ngành điện (EVN). Bẵng đi hơn chục năm không gặp, năm ngoái gặp lại ông ta trong một chuyến du lịch và thấy ông ấy béo tốt, trắng trẻo, sang trọng, khác hẳn khi ông ta còn ở công trường. 

     Ông ta khoe: Về hưu sớm và làm chủ đầu tư 2 dự án thủy điện nhỏ ở miền Trung, tiền nhiều ăn mấy đời không hết… Thủy điện thường ở trong rừng sâu, mình thuê tư vấn, thiết kế, lập dự án thi công, dòng chảy, đập tràn, phá rừng, ngăn sông …, các ông phê duyệt ngồi bàn giấy, có biết gì đâu, chỉ cần có tiền là xong hết, là thu lãi lớn… Chỉ riêng việc bán gỗ quý, khoáng sản đã ối tiền ...   

      Cả một giai đoạn dài, phong trào làm thủy điện nhỏ, làm xi măng, xây NM bia, NM đường (nhiều nhất là thủy điện nhỏ, thủy điện cóc) phát triển ồ ạt, rầm rộ như nấm sau mưa rào và quy hoạch phát triển của các ngành này gần như bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm. Nếu không có quy hoạch thì xin quy hoạch, nếu không nằm trong sơ đồ phát triển của ngành điện thì xin bổ sung thêm sơ đồ, thêm quy hoạch. Cứ nhiều “đạn” (tiền) mang đến nhà các quan, nhà thứ trưởng, bộ trưởng, nhà Phó TT, Thủ tướng là xong hết, phê duyệt hết…Vì thế, khó mà tưởng tượng được một đất nước cong cong, hẹp hẹp hình chữ S, hẹp nhất là miền Trung mà có tới hơn 400 dự án thủy điện nhỏ, thủy điện cóc. Nó đã cưỡng bức các dòng sông, dòng suối, chặt phá rừng nguyên sinh vô tội vạ và hủy hoại môi trường kinh khủng, mất an toàn dân sinh.      

        Dự án thủy điện Nước Biêu, công suất 14 MW thuộc lưu vực Sông Tranh (Huyện Nam Trà My, Quảng Nam) là một ví dụ. Dự án đã làm mất hơn 16 ha rừng nguyên sinh,  hệ sinh thái gồm cả những cây gỗ có đường kính hơn 2 m.

         Một ví dụ khác là nhà máy thủy điện Chà Và có công suất 7MW, xây dựng mới trên sông A Mó, huyện Nam Giang, Quảng Nam đã tàn phá 14 ha rừng, hầu hết các muông thú  nhóm lớn đã di chuyển đi nơi khác.

       Một vấn đề cũng rất nghiêm trọng là dòng chảy môi trường đã thay đổi hết sau đập thủy điện. Các nhà máy sẽ phải cắt chuyển toàn bộ dòng nước tự nhiên của sông và suối qua một ống dẫn nước về đến nhà máy.

      Các nhà đầu tư luôn cam kết sẽ hoàn trả lại môi trường cái gì đã lấy đi. Nhưng đó chỉ là cam kết cho “đẹp” để được phê duyệt, để xây thủy điện đút tiền vào túi, họ không cần biết sau các dự án thủy điện sẽ mất cái gì và mất bao nhiêu và lũ lụt thiên tai khủng khiếp thế nào….

      Đây chính là một thảm họa sinh thái, thiên nhiên và môi trường, an toàn dân sinh và là nguyên nhân quan trọng gây ra lũ lụt ở miền Trung vừa qua. 

      Vì vậy, việc hạn chế phát triển thủy điện nhỏ, thủy điện cóc phải được Chính phủ, các bộ, các ngành đặt ra cách đây 15, 20 năm. Nó cũng phải trở thành trách nhiệm và pháp lệnh của các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch, những người có trách nhiệm từ lâu rồi chứ không phải nói vuốt đuôi sau lũ lụt như Bộ Trưởng Bộ Tài - Môi Trần Hồng Hà và nhiều quan chức mới đây…

     Và nếu cảnh báo sớm, sẽ không có những cái chết thê thảm, thương tâm của công nhân và bộ đội ở Rào Trăng 3…

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness