TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 12
  • Hôm nay: 187
  • Tháng: 5670
  • Tổng truy cập: 5150934
Chi tiết bài viết

Tầm nhìn Việt Nam 2035 trong năm 2017

Rừng vàng bị tàn phá, biển bạc bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác gần cạn kiệt. Chỉ có tài nguyên con người là vô tận. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Trong bài phú “Cư trần lạc đạo”, Phật hoàng Trần Nhân Tông - một chiến lược gia và triết gia vĩ đại - đã đúc kết một triết lý giản đơn của thiền học là “Trong nhà có của tìm đâu nữa, đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền”.

Trần Nhân Tông không nói thẳng như Albert Einstein “Có hai thứ vô hạn là vũ trụ và sự ngu dốt của con người…” mà ông nhẹ nhàng khuyên răn: trong nhà có báu vật mà không biết, thì đừng tìm đâu xa. Đứng trước cảnh đẹp mà vẫn vô tâm vô cảm thì trong nhà có báu vật cũng không biết. (Đó là vô minh). 

Người ta hay nói nước ta “rừng vàng biển bạc”. Không sai. Nhưng tại sao đến bây giờ đất nước vẫn nghèo và lạc hậu, thua kém nhiều quốc gia láng giềng trong khu vực trước đây vốn không bằng mình?

Cách đây 30 năm, Việt Nam cũng đứng trước một bước ngoặt lịch sử với câu hỏi “Đổi mới hay là chết”. Đó là thời điểm “đổi mới vòng một”. Còn bây giờ là thời điểm “đổi mới vòng hai” khi Việt Nam lại đang đứng trước một bước ngoặt mới bất định, với cùng một câu hỏi như trước.

Hãy thử vận dụng triết lý của Trần Nhân Tông để xem trong nhà có báu vật gì mà ta chưa biết hoặc bỏ quên, để vận dụng “kiến tạo” quốc gia.

Báu vật bỏ quên

Thứ nhất, Việt Nam có một cái mỏ lộ thiên khổng lồ là “mỏ người” (gần 100 triệu dân). Rừng vàng bị tàn phá, biển bạc bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác gần cạn kiệt. Chỉ có tài nguyên con người là vô tận, thế nhưng mỏ người lại không được coi trọng.

Hệ thống giáo dục lạc hậu và trì trệ, cải cách chưa hiệu quả. Thất thoát tài chính và nhân lực đang là một thảm họa. 

Israel là một đất nước nhỏ hơn Việt Nam nhiều, dân số cũng ít hơn, tài nguyên hầu như không có vì không được thiên nhiên ưu đãi, lại bị vây hãm bởi các nước láng giềng thù địch. Nhưng chỉ sau 30 năm kể từ khi thành lập nước vào năm 1948, Israel đã “khởi nghiệp” trở thành một cường quốc. Thu nhập bình quân đầu người của họ là 35.431 đô la Mỹ (năm 2015, theo IMF). Phải chăng họ biết khai thác kho báu mỏ người bằng cách khai phóng năng lượng sáng tạo của con người, là tài nguyên và tiềm năng lớn nhất của một dân tộc.

Muốn kiến tạo Việt Nam theo định hướng “thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, Chính phủ phải triển khai và vận dụng sáng tạo “Tầm nhìn Việt Nam 2035” để thay đổi thể chế và năng lực quản trị

Muốn khai thác mỏ người để có năng suất lao động cao thì phải biết thu hút và trọng dụng nhân tài, đồng thời biết quản trị nguồn nhân lực.   

Thứ hai, Việt Nam có sẵn một “báu vật” có thể vận dụng để khai thác mỏ người, nhằm tái tạo/kiến tạo quốc gia (trước khi quá muộn). Đó là “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim chính thức công bố tại Hà Nội ngày 23-2-2016.

Tại sao lại gọi đó là “báu vật”? Bởi vì đây là một văn kiện quan trọng đề xuất kế hoạch đổi mới toàn diện đất nước, được Chính phủ Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới cam kết và đầu tư nhiều nguồn lực và chất xám trong gần hai năm (từ tháng 7-2014).

Đây cũng là báo cáo được nghiên cứu và soạn thảo công phu nhất từ trước tới nay cho giai đoạn mới. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi còn tại chức cho biết “Báo cáo đã được hoàn thành sau gần hai năm gồm bảy chương nghiên cứu sâu về ba trụ cột phát triển với sáu chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một thành viên tham gia soạn thảo nói: “Thông điệp quan trọng nhất, xuyên suốt báo cáo đó là phải cải cách thể chế nếu không muốn bị lạc hậu. Đó là lý do báo cáo có một chương dành riêng nói về cải cách thể chế và các chương còn lại ít nhiều đều có đề cập đến vấn đề này”.
Bà Phạm Chi Lan lập luận “Nếu thiếu hoặc chậm tiến hành một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ vào lúc này thì sẽ không thể có được một chính phủ kiến tạo để dẫn dắt sự phát triển”.

Kiến tạo cái gì?

Để tái tạo/kiến tạo Việt Nam, “Chính phủ kiến tạo” có nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt nên tập trung ưu tiên cao vào “ba vùng chiến lược”. Thứ nhất, phải cứu lấy đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa của cả nước (nay đang chết khô, chết mặn). Thứ hai, phải cứu lấy miền Trung là khúc ruột của cả nước (nay đang bị ô nhiễm và ngập lụt). Thứ ba, phải giải cứu Hà Nội là trái tim của cả nước (đang bị băm nát và ô nhiễm nặng).

Muốn cứu ĐBSCL, Chính phủ phải vận dụng báo cáo để tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng “hiện đại hóa, đa dạng hóa, thương mại hóa và quốc tế hóa”. Muốn làm được điều đó, phải cải cách thể chế, xóa bỏ độc quyền và chính sách lỗi thời về hạn điền đang trói buộc và cản trở sức sản xuất và sáng tạo của hàng triệu người dân Nam bộ đang đối mặt với thảm họa.   

Đó cũng là những vấn đề lớn đặt ra để cứu lấy miền Trung và giải cứu Hà Nội, đang đối mặt với thảm họa môi trường do thiên tai và nhân họa gây ra. Chúng ta không thể chống lại thiên tai như biến đổi khí hậu, mà chỉ có thể tìm cách thích ứng. Nhưng chúng ta có thể tránh và chống lại nhân họa nếu không vô minh và vô cảm. Muốn cứu miền Trung, khôi phục môi trường và nghề cá, phải “phi thép hóa” và “phi thủy điện hóa” (giống như “phi hạt nhân hóa”) là những nhân họa tiềm ẩn.

Kiến tạo thế nào?

Muốn kiến tạo Việt Nam theo định hướng “thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, Chính phủ phải triển khai và vận dụng sáng tạo “Tầm nhìn Việt Nam 2035” để thay đổi thể chế và năng lực quản trị, nhằm huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài, phục vụ cho các giải pháp đối nội và đối ngoại, như ba mũi giáp công:

Thứ nhất, về đối nội: cần cải cách thể chế toàn diện. Về kinh tế, phải tái cơ cấu, chuyển đổi hẳn sang cơ chế thị trường, xóa bỏ cơ chế sở hữu ruộng đất toàn dân và độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Về chính trị, phải mở rộng dân chủ hóa, cởi trói tư tưởng để tháo gỡ các ách tắc và bất cập do cơ chế cũ lỗi thời làm cản trở đổi mới và sáng tạo trong kinh tế thị trường.

Thứ hai, về đối ngoại: cần định hướng lại các mục tiêu chiến lược với bên ngoài trên cơ sở điều chỉnh những giá trị cốt lõi nhằm hỗ trợ đắc lực cho đổi mới thể chế bên trong.

Chính sách đối ngoại trong giai đoạn mới cần dựa trên ba giá trị cốt lõi là (1) Tái cân bằng tích cực (active rebalance), (2) Hội nhập tích cực (proactive integration) và (3) Độc lập tích cực (active independence).

“Tái cân bằng tích cực” không phải là “đu dây”, cũng như “thoát Trung” không có nghĩa là quay lưng lại với Trung Quốc. Phải điều hòa giữa đối nội và đối ngoại, giữa lợi ích quốc gia và hội nhập quốc tế, để tránh lệ thuộc quá nhiều vào một nước.

“Hội nhập tích cực” là chủ động hội nhập quốc tế, phục vụ cho chiến lược phát triển quốc gia lâu dài, chứ không bị động đối phó để bảo hộ các lợi ích trước mắt. Hội nhập tích cực là phải giúp các doanh nghiệp hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.

“Độc lập tích cực” là phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Thứ ba, về đoàn kết dân tộc: cần thực tâm hòa giải giữa hai cộng đồng trong và ngoài nước để kết nối vòng tay lớn, nhằm huy động nguồn lực của cả dân tộc, để tái tạo/kiến tạo quốc gia. Đây là một mục tiêu sống còn, nhưng rất khó.

Bài học đối ngoại

Chính sách đối ngoại của Việt Nam giai đoạn trước dựa trên bốn trụ cột: (1) độc lập tự chủ (trong đó có chính sách ba không), (2) đa phương đa dạng hóa (trong đó có chủ trương thêm bạn bớt thù), (3) vừa hợp tác vừa đấu tranh (trong đó có đối tác hợp tác và đối tượng đấu tranh), (4) chủ động và tích cực hội nhập quốc tế (để trở thành đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế).

Cần tận dụng các trụ cột đó để giúp Việt Nam thoát hiểm và phát triển trong giai đoạn mới.

Ngoài việc tiếp tục tăng cường thúc đẩy quan hệ tam giác Mỹ  - Trung - Việt, Việt Nam cũng cần tăng cường đối tác chiến lược với Nhật. Phải xây dựng một tứ giác chiến lược mới tại Đông Á do Nhật dẫn đầu (Japan - Australia - India - Vietnam Partnership) để mở rộng đối tác chiến lược ra ngoài khuôn khổ ASEAN.  

Thay lời kết

Chính sách đối ngoại tuy là cánh tay nối dài của chính sách đối nội, nhưng có nhiệm vụ làm đòn bẩy, hỗ trợ cho quá trình “đổi mới vòng hai” để Việt Nam phát triển “thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.  Đề cương đổi mới chính sách đối ngoại cần dựa trên đề cương đổi mới toàn diện của chiến lược phát triển quốc gia.

“Báo cáo Việt Nam 2035” chính là đề cương đổi mới, làm cơ sở xây dựng chính sách đối ngoại cho thời kỳ mới. Muốn đổi mới và phát triển bền vững, phải gắn kết được trên với dưới, trong với ngoài, để huy động tối đa nguồn lực của dân tộc, nhằm tái tạo/kiến tạo một nước Việt Nam mới.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness