TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 33
  • Hôm nay: 776
  • Tháng: 9478
  • Tổng truy cập: 5154742
Chi tiết bài viết

TP.HCM hướng đến “siêu đô thị”

42 năm sau ngày giải phóng, diện mạo TP.HCM đã có nhiều thay đổi lớn. Các chuyên gia cho rằng, với diện tích khá lớn cùng quy mô dân số khổng lồ, không lâu nữa, TP.HCM sẽ trở thành một “siêu đô thị”.

Tuy nhiên, để làm được điều này thành phố sẽ phải giải quyết rất nhiều bài toán khó đang đặt ra dồn dập trước mắt, quan trọng nhất là phải có được cơ chế linh hoạt để “siêu đô thị” được vận hành trơn tru.

Sau niềm vui của ngày thống nhất đất nước, TP.HCM ngay lập tức phải đối mặt khó khăn chồng chất khi nguồn nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất đình đốn khiến kinh tế ngày càng sa sút, giá cả thị trường tăng liên tục. Trong bối cảnh ngặt nghèo đó, lãnh đạo thành phố đã tháo gỡ khó khăn bằng những quyết sách đột phá, thậm chí được coi là “phá rào” để giúp “cởi trói” về cung cách quản lý, tư duy, nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế. Đó chính là động lực để thành phố nhanh chóng thay đổi khi tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm thời kỳ 1980 – 1985 đạt 8,17% so với 2,18% thời kỳ 1976 – 1980. Thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần năm 1980. Cho đến năm 2016, thu ngân sách thành phố đạt hơn 300.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 30% thu ngân sách của nước.

Có thể khẳng định, 42 năm sau ngày giải phóng, diện mạo TP.HCM thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, vấn đề nơi này phải giải quyết cũng tăng lên theo cấp số nhân. Trong đó có những điều buộc phải xử lý nhanh chóng, bởi nếu không, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, an ninh trật tự, an sinh xã hội… khiến thành phố cứ mãi “mắc kẹt” trong chiếc vòng luẩn quẩn, đồng nghĩa không thể bứt phá.

Diện mạo TP.HCM có thay đổi rất lớn so với 42 năm trước.

Dân số tăng quá nóng

Thống kê chính thức vào cuối năm 2015 cho thấy, TP.HCM có khoảng 8,2 triệu người, nhưng trong các cuộc họp về kinh tế – xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận, số người có mặt thường xuyên hiện nay lên đến 12 triệu, vượt xa dự đoán trước đó cho rằng TP.HCM sẽ đạt 12,5 triệu người vào năm 2025. Dân số lớn đang mang lại cho thành phố nhiều tiềm năng, cơ hội về nguồn nhân lực, hay cả thị trường tiêu thụ tương ứng, nhưng hệ lụy mang lại cũng khiến chính quyền phải “đau đầu”.

Hạ tầng đô thị quá tải, đường phố kẹt cứng vào giờ tan tầm, các lớp học có sĩ số ngày càng tăng… còn dòng người vẫn đổ về không ngớt. Trong những năm qua, thành phố rất nỗ lực nhằm đảm bảo điều kiện cho người dân sinh sống tại đây, trên thực tế nó có tác dụng đáng kể khi tỉ lệ người nghèo đang giảm đi mỗi năm. Tuy nhiên, để dân số không trở thành “gánh nặng” kéo tụt thành quả đạt được thì thành phố phải làm nhiều hơn, mà quan trọng nhất là nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp, phân bổ hợp lý, ngăn chặn được những luồng di cư không mong muốn.

Gia tăng dân số, gánh nặng về an sinh xã hội là câu chuyện mọi thành phố lớn phải chịu đựng. Chính vì vậy, TP.HCM chỉ có thể giảm thiểu thấp nhất tác hại tiêu cực chứ không thể loại bỏ. Tuy nhiên, thành phố buộc phải xử lý và kiểm soát hợp lý bởi đó là nền tảng quan trọng nhất của một siêu đô thị – yếu tố con người.

Số người thường xuyên có mặt tại TP.HCM hiện nay lên đến 12 triệu, vượt xa dự đoán trước đó cho rằng TP.HCM sẽ đạt 12,5 triệu người vào năm 2025.

Kẹt xe– nỗi khổ nhàm chán

“Vấn nạn” này đã trở thành điều bất cứ ai đều trải qua khi sinh sống tại đây. Những con đường đông nghẹt xe cộ vào giờ tan tầm, hàng ngàn người kiên nhẫn nhích từng chút trong khói bụi, tiếng ồn để qua đoạn “thắt cổ chai” không phải là điều gì đó quá kinh khủng… Đây là vấn đề cấp thiết mà Thành phố phải xử lý.

Đến nay, Thành phố đã chi ra số tiền khổng lồ để đầu tư cho hạ tầng giao thông, dù vậy, khi nhìn vào các tuyến đường hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận ra những nỗ lực đó chỉ như muối bỏ bể.

Có ý kiến cho rằng sẽ không bao giờ giải quyết được việc kẹt xe bằng cách mở rộng đường. Trong buổi hội thảo về giải pháp chống ùn tắc giao thông, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – làm việc trong chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, việc xây thêm đường, cầu vượt chỉ giải quyết trong giai đoạn đầu, sau đó con đường sẽ tiếp tục ùn tắc. Ông nhấn mạnh: “Thành phố cần tập trung nguồn lực phát triển hệ thống công cộng thay vì xây thêm đường như hiện nay”. Trên thực tế, đó cũng là chiến lược mà thành phố đang nỗ lực thực hiện để giải quyết tình trạng này.

Tại hội thảo mới đây bàn về “Các vấn đề phát triển TP.HCM”, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nói rằng, mảng sáng của 30 năm đổi mới chính là việc thành phố luôn giữ được nhịp độ phát triển cao, luôn dẫn đầu cả nước, tuy nhiên, để hội nhập quốc tế thì thành phố phải giải quyết sức ép của siêu đô thị. Theo ông Thiên, Thành phố cần cơ chế đặc thù để tạo động lực cho nền kinh tế nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

Ngập nước – chuyện muôn thủa?

Những cơn mưa dồn dập từ giữa tháng 9/2016 và kéo dài trong suốt 15 ngày sau đó khiến thành phố “tối tăm mặt mũi”. Không chỉ nơi trũng thấp, có “truyền thống” ngập lụt mà ngay cả đường phố ở trung tâm thành phố cũng chịu cảnh tương tự. Nhiều hộ dân trên đường Lê Thánh Tôn – đoạn qua chợ Bến Thành (quận 1) phải thốt lên rằng hàng chục năm họ chưa bao giờ thấy nước ngập vỉa hè, nhưng hôm đó không ít người phải hò hét nhân lực ra “đắp đập” trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà.

Tình trạng ngập nước không mới, thậm chí tồn tại từ trước ngày thống nhất, tuy nhiên, hàng chục năm qua, thành phố vẫn nơm nớp lo lắng mỗi khi mùa mưa tới. Nếu đánh giá công tâm, trong 3 năm trở lại đây, nhiều khu vực tại quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 6 đã hết ngập, hoặc giảm ngập. Tuy vậy, so với đòi hỏi và số tiền bỏ ra thì những thành quả đó chưa đủ để đáp lại kỳ vọng của người dân, trong khi thời tiết mỗi ngày một khắc nghiệt hơn tần suất các trận mưa lớn càng lúc càng lớn.

Theo Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, trong 5 năm tới, nơi này sẽ cần 100.000 tỷ đồng cho chống ngập, nhưng cũng chính Trung tâm thừa nhận, hiện thành phố  mới chỉ bố trí được một phần kinh phí.

Chính quyền đô thị – Liệu có lại “lỡ tàu”

Cùng sự phát triển của kinh tế, những áp lực đi kèm cũng đè nặng lên mỗi quyết sách của chính quyền Thành phố. Rõ ràng, cách quản lý thành phố 12 triệu dân không thể giống như một tỉnh miền núi khoảng 1 triệu dân, tuy nhiên, đó là điều mà TP.HCM đang phải thực hiện nhiều năm qua. Dù có điều cởi mở, linh hoạt hơn nhưng nhìn chung, thành phố vẫn chưa thoát ra khỏi cơ chế chung dành cho các tỉnh,  thành khác. Đó là lý do nơi này cần “chính quyền đô thị” hoặc mô hình tương tự – có tính chất đột phá.

Trên thực tế, thành phố từng xây dựng đề án chính quyền đô thị khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, như ông Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thì “do đề án quá lớn lại vướng nhiều vấn đề liên quan đến Hiến pháp, pháp luật, đồng thời cần nhiều cơ quan tham gia nên Trung ương chưa thuận”.

Dẫu vậy, Thành phố vẫn chưa bỏ “tham vọng” này. Trong một hội nghị về các giải pháp phát triển thành phố, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đã nhắc lại ý tưởng về “chính quyền đô thị”. Ông nhấn mạnh đó là cách để đột phá và thừa nhận nếu không xây dựng được mô hình này, thành phố rất khó phát triển, bởi kiểu quản lý hiện nay chồng chéo, nhiều cơ quan làm một việc nên khó quy trách nhiệm.

Đồng quan điểm này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhiều lần nhấn mạnh tại các hội nghị rằng đó là điều cần thiết. Trong khi ông Đinh La Thăng nói cần phải kiên trì, “kiến nghị bằng được mô hình này”, thì ông Nguyễn Thành Phong nhận định “đó là gốc rễ” để thích ứng đặc thù của đô thị đặc biệt.

Để hình thành một siêu đô thị, TP.HCM không chỉ phải giải quyết các vấn đề nói trên. Tuy vậy, có thể coi đó là những việc cần làm trước để từ đó có được cơ sở vững chắc nhằm hướng tới những mục tiêu tham vọng hơn. Đó không chỉ là mong mỏi của người dân thành phố, mà còn là thực tế đặt ra và lãnh đạo phải thực hiện bằng được nếu muốn nơi này loại bỏ các yếu tố vẫn kìm hãm bấy lâu nay để bứt phá.

(Theo Infonet)

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness