TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 9
  • Hôm nay: 159
  • Tháng: 8861
  • Tổng truy cập: 5154125
Chi tiết bài viết

TPHCM: Mạng nhện ngầm cản trở phát triển không gian ngầm

TPHCM dự kiến sẽ phát triển đô thị dưới không gian ngầm ở hai khu vực ưu tiên là trung tâm thành phố và Thủ Thiêm với kỳ vọng sẽ hình thành một "thành phố" dưới lòng đất thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển không gian ngầm này dường như đang vấp phải một số khó khăn về quản lý và xử lý kết nối các công trình hạ tầng trong lòng đất hiện hữu như đường dây điện, cống nước, cấp nước, dây viễn thông...   

Một mô hình không gian ngầm khu trung tâm TPHCM. Ảnh: Văn Nam

Trao đổi với TBKTSG Online tại hội thảo về phát triển không gian ngầm TPHCM diễn ra hôm nay (12-4), ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố cho biết, dự kiến đến năm 2019 sở này sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố với ưu tiên tập trung phát triển không gian ngầm khu trung tâm thành phố (vùng lõi 930 héc ta) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Và cũng theo ông Hoàng Tùng, không gian ngầm khu trung tâm sẽ tập trung phát triển chạy dọc theo các tuyến metro đang được xây dựng. Dự kiến thành phố sẽ có 8 tuyến metro xuyên tâm đi kèm với các tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 220 km với tổng vốn đầu tư 25 tỉ đô la Mỹ.

Việc lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm giúp mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại nằm dưới lòng đất nhằm giảm áp lực kẹt xe, đồng thời đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay.

Tuy nhiên, tại hội thảo sáng nay, nhiều chuyên gia về hạ tầng đô thị bày tỏ băn khoăn cho khả năng phát triển không gian ngầm, đặc biệt là khu trung tâm bởi hiện trạng các công trình ngầm hiện hữu như điện, nước, viễn thông, thoát nước... đang còn chạy chằng chịt trong lòng đất và dữ liệu quản lý các công trình này rất thiếu, chưa được quản lý tập trung.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM kể lại câu chuyện trước đây thành phố cũng đồng ý cho việc xây dựng đường hầm ngầm kết nối hai tòa nhà Vincom A và Vincom B ở quận 1 nhưng rồi không làm được bởi vướng đường ống nước ngầm.

Còn ông Hà Ngọc Trường, một chuyên gia phát triển đô thị tại thành phố còn kể thêm đã có lúc bản thân nhóm nghiên cứu của ông gặp vô vàn khó khăn khi nghiên cứu nguyên nhân "hố tử thần" khi khảo sát tại một khu vực có đến 15 đơn vị quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật. 

Và một khi, thiếu cơ sở dữ liệu chung về quản lý các công trình ngầm hiện hữu thì sẽ là rất khó cho thành phố lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm đầy đủ và hoàn chỉnh. Bài toán đặt ra hiện nay là tìm đơn vị làm đầu mối tập hợp đầy đủ dữ liệu để dễ quản lý chung, đồng bộ toàn bộ hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường dây điện, viễn thông, cấp nước, thoát nước... để từ đó phục vụ cho việc lập quy hoạch phát triển không gian ngầm nói chung.

Ông Hoàng Tùng, Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố, thông tin thêm rằng giai đoạn đầu phát triển không gian ngầm ở Thủ Thiêm và khu lõi trung tâm thành phố sẽ là mô hình mẫu sau đó sẽ nhân rộng ra các khu vực khác của thành phố.

"Bước đầu tiên của việc lập quy hoạch này sẽ rất khó chính là khảo sát hiện trạng hạ tầng ngầm hiện hữu gồm đường ống cấp nước, điện, viễn thông... để dựa vào đó xác định từng khu vực sẽ phát triển không gian ngầm. Quy hoạch không gian ngầm cần có sự kết nối các không gian khác nhau gồm không gian ngầm giao thông, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật", ông Tùng nói và thừa nhận việc quản lý không gian xây dựng ngầm nói chung tại thành phố hiện vẫn còn thiếu. 

Theo TheSaiGonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness