TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 29
  • Hôm nay: 506
  • Tháng: 10784
  • Tổng truy cập: 5156049
Chi tiết bài viết

Triều Tiên thử bom nhiệt hạch: Một mũi tên trúng nhiều đích?

Theo GS Carl Thayer, chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia, các động thái gây căng thẳng gần đây của Triều Tiên, trong đó có vụ thử bom nhiệt hạch mới nhất, nhằm gây chia rẽ Mỹ và các đồng minh đồng thời tạo bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh.

Triều Tiên ngày 3/9 tuyên bố thử thành công bom H (bom nhiệt hạch) với “sức mạnh chưa từng có tiền lệ”. Vụ thử làm gia tăng lo ngại Bình Nhưỡng tiền gần hơn tới việc xây dựng tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể phóng tới Mỹ. Giới quan sát lập tức đặt ra những câu hỏi về chiến lược của Triều Tiên lúc này và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng ra sao sau hàng loạt động thái nguy hiểm mới từ Bình Nhưỡng, trong đó có vụ thử hạt nhân mới nhất.

Chia sẻ với chúng tôi, Giáo sư Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Australia, có những nhận định cụ thể về mức độ nguy hiểm từ việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, mục đích của hành động này và giải pháp cho khủng hoảng hiện nay.

ong-carthayer1-bb-baaaciXyIa

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Getty

- Triều Tiên muốn phát thông điệp gì sau vụ thử hạt nhân mới nhất thưa ông? 

- Đây là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng thử bom hydro hay bom nhiệt hạch là minh chứng cho thấy họ đang tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa tiên tiến với tốc độ nhanh hơn những gì mà cộng đồng tình báo Mỹ dự đoán. Vụ thử bom nhiệt hạch mới cũng chứng minh rằng Triều Tiên là quốc gia hạt nhân thực tế nằm ngoài vòng kiểm soát của cộng đồng quốc tế.

- Vì sao Triều Tiên thử hạt nhân vào lúc này?

- Triều Tiên nói họ đang đáp trả các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng có thể cũng đang phản ứng trước lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nói Triều Tiên phải đối mặt với “lửa và giận dữ” nếu tiếp tục đe dọa Mỹ, các căn cứ quân sự của họ ở Guam hoặc đồng minh của nước này.

Bình Nhưỡng muốn dùng sức mạnh vũ khí hạt nhân để ngăn Washington tấn công và chứng minh những lời đe dọa quân sự là vô ích. Nói cách khác, nếu Mỹ tấn công Triều Tiên trước, Bình Nhưỡng sẽ đáp trả bằng cuộc tấn công tàn nhẫn nhằm vào Hàn Quốc và/hoặc Nhật Bản – nơi quân đội Mỹ đóng quân.

- Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đang làm gia tăng áp lực lên Mỹ, các đồng minh và cả Trung Quốc? 

- Mục đích của Triều Tiên khi duy trì lập trường cứng rắn về hạt nhân là gây chia rẽ Mỹ và các đồng minh, Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời tạo bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh. Hiện tại, Triều Tiên không có khả năng phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân và tấn công lục địa Mỹ. Nếu một cuộc chiến nổ ra, Triều Tiên có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng và thương vong hàng loạt ở Hàn Quốc và ở mức độ thấp hơn là tại Nhật Bản. Nếu Mỹ phát động một cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ chịu tổn thất nhiều nhất.

Hàng loạt động thái của Bình Nhưỡng gần đây cũng nhằm khiến Seoul và Tokyo nghi ngờ việc Washington sẵn sàng xung đột thực địa để bảo vệ đồng minh đồng thời tạo ra mối lo ngại chiến tranh ở các nước này.

Bên cạnh đó, Triều Tiên đang tìm cách khai thác sự khác biệt trong lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc không muốn Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc vì cho rằng nó làm giảm khả năng tấn công hạt nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn chế độ Triều Tiên sụp đổ vì điều này khiến hàng trăm nghìn người Triều Tiên đổ xô qua biên giới, gây ra tình trạng hỗn loạn. Trung Quốc cũng không muốn thống nhất bán đảo dưới sự ảnh hưởng của Mỹ. Mỹ sẽ gây áp lực lên Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt và dọa cắt đứt quan hệ thương mại với những nước giao thương với Triều Tiên. Bắc Kinh sẽ phản đối.

trieu tien1

Bức ảnh được công bố hôm 3/9 vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có thể gắn vào tên lửa đạn đạo tầm xa

cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un bên thiết bị được Triều Tiên khẳng định là đầu đạn của tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: KCNA/Reuters

- Phản ứng về vấn đề Triều Tiên của các nước hiện nay không thống nhất. Trong khi Mỹ đề cập tới đòn quân sự, những nước khác lại muốn một cách tiếp cận khác đối với vấn đề Triều tiên. Theo đánh giá của ông, chính quyền Tổng thống Donald Trump cần làm gì lúc này?

- Trung Quốc và Nga đã nhất trí về cách xử lý khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Hai nước thúc giục các bên còn lại kiềm chế, loại bỏ phương án dùng quân sự để giải quyết tình hình.

Việc chính quyền Trump cần xử lý khủng hoảng với Triều Tiên ra sao phụ thuộc một phần vào việc tổng thống thay đổi cách tiếp cận thời gian qua, trong đó có việc ngừng đăng trên Twitter những lời đe dọa và sử dụng ngôn ngữ chua cay nhằm vào Bình Nhưỡng. Hành động đó của ông Trump chỉ khuyến khích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục chính sách "bên miệng hố chiến tranh" để chứng minh ông Trump chỉ là “hổ giấy”.

Chính quyền Trump cần tiếp tục theo đuổi ngoại giao thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mỹ cũng nên mạnh tay với các biện pháp trừng phạt hiện thời để chúng phát huy hiệu quả. Và Washington cũng cần gia tăng áp lực lên Trung Quốc nhằm sử dụng đòn bẩy kinh tế của nước này đối với Triều Tiên. Đồng thời, chính quyền Mỹ cũng cần thể hiện quyết tâm đáp trả mọi cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam.

- Đâu là nút thắt trong vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên? Ai có thể là hòa giải viên trong cuộc khủng hoảng này?

- Nút thắt trong cuộc khủng hoảng hiện nay là việc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc với một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình. Triều Tiên lo sợ an nguy quốc gia đang bị đe dọa bởi lực lượng quân đội Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó Bình Nhưỡng chọn cách phát triển vũ khí hạt nhân và đang đẩy mạnh công cụ nhằm hiện thực hóa việc xây dựng loại vũ khí này. Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ tin rằng động thái của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh.

Triều Tiên có rất ít bạn đáng tin cậy và do đó họ không chấp nhận có bên thứ 3 làm trung gian giải quyết căng thẳng với Mỹ. Các bên cần một “nhà môi giới”, một quốc gia đứng sau hậu trường để giúp đưa Triều Tiên và Hàn Quốc ngồi vào bàn đàm phán hoặc các cuộc đàm phán bí mật được bảo đảm giữa Triều Tiên và Mỹ.

- Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên khi dường như căng thẳng sẽ tiếp tục dâng cao và không tránh được nguy cơ một sự cố xấu bất ngờ xảy ra?

- Triều Tiên được cho là sẵn sàng phóng thêm nhiều tên lửa đạn đạo. Điều này làm gia tăng mối lo ngại đối với Tổng thống Donald Trump, người tuyên bố thời gian dành cho đối thoại đã hết.

Các bên đang ở trong tình trạng “kề bên miệng hố chiến tranh”, sự bất định và viễn cảnh về một cuộc xung đột vũ trang. Song Ngoại trưởng Mỹ James Mattis cho rằng luôn có những lựa chọn ngoại giao để giải quyết vấn đề.

Bầu không khí căng thẳng vẫn bao trùm trong thời gian tới. Triển vọng về giải pháp hòa bình có thể diễn ra bằng cách tái khởi động đàm phán sáu bên và các cuộc thương lượng giữa tất cả các bên, trong đó có lợi ích an ninh của các bên được tôn trọng và bảo đảm. 

Tri Túc Tin nhanh Online

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness