TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 5
  • Hôm nay: 221
  • Tháng: 4028
  • Tổng truy cập: 5149292
Chi tiết bài viết

Trung Quốc và cuộc “xâm chiếm” đất nông nghiệp toàn cầu

Đối mặt với tình trạng đất canh tác đang bị thu hẹp và dân số hiện nay đã tăng đến con số 1/4 tỷ người, chính phủ Trung Quốc đã mở rộng mạng lưới tìm kiếm lương thực trên khắp toàn cầu.

Trung Quốc và cuộc “xâm chiếm” đất nông nghiệp toàn cầu

Công ty ngũ cốc Wanbao Grains & Oils Co. của Trung Quốc ở thung lũng Limpopo, Mozambique. ẢNH: BLOMMBERG

Trên những cánh đồng nơi Silva Muthemba, một người dân Mozambique, đã từng trồng ngô và chăn thả đàn gia súc của mình, là một ''căn cứ'' được lắp đặt camera giám sát và cả những vệ sĩ có vũ trang thường xuyên tuần tra, canh gác. Theo Bloomberg, khu vực đó chính là một phần trong làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào các trang trại cũng như các công ty công nghiệp ở nước ngoài cách đây một thập niên, vốn đã gây ra nhiều lời buộc tội về việc chiếm đất khi Đại lục đang cố gắng đảm bảo đủ nguồn lương thực cho tương lai của họ.

Chính phủ Mozambique đã hợp tác với tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc để phát triển nông nghiệp, với hi vọng sẽ mang lại năng suất đã được ghi nhận trước cuộc nội chiến kéo dài suốt 16 năm tại đất nước Đông Phi. Và kết quả là công ty Wanbao Grains & Oils đã được thành lập với mức chi 250 triệu USD cho việc tưới tiêu, máy móc, đồng thời còn chuẩn bị một khu vực rộng 20.000 hecta để trồng lúa, ngô. Tuy nhiên, dự án đã trở thành bài học sai lầm đắt giá cho cả hai bên khi Mozambique thì mất đất, còn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì gặp phải không ít khó khăn về thiên tai, chính trị và phản đối của người Mozambique.

“Chúng tôi đã đánh mất đất chăn thả cho người Trung Quốc. Họ nói chúng tôi sẽ có việc làm trong canh tác lúa gạo, nhưng đến giờ vẫn không có gì”, Muthemba nói khi đang đứng bên cạnh túp lều tranh dựng trên đồng bằng rộng lớn của tỉnh Gaza gần cửa sông Limpopo.

Anastacio Matavel, người đứng đầu Fonga, một tổ chức gồm khoảng 270 nhóm phi chính phủ tỉnh Gaza, cho biết gia đình của ông Muthemba là một trong số 8.000 người đã mất quyền tiếp cận đất nông nghiệp ở khu vực này cách đây 5 năm, kéo theo đó là các cuộc biểu tình phản đối. Theo ông Armando Ussivane, chủ tịch một công ty thuộc chính phủ Mozambique có quyền quản lý trên thung lũng Limpopo cho biết người Trung Quốc khi xây dựng công ty Wanbao đã nói rằng họ sẽ đưa công nghệ đến và đầu tư để tái thiết thủy lợi, tăng năng suất, đồng thời hướng dẫn cho nông dân địa phương nhằm giúp đỡ thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha tự chủ hơn, bớt phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Nhưng lời hứa này đến nay vẫn chưa hoàn toàn được thực hiện.

Trung Quốc và cuộc 'xâm chiếm' đất nông nghiệp toàn cầu - ảnh 1

Công nhân đang cắt thịt heo tại nhà máy chế biến thực phẩm Smithfield Foods mà Trung Quốc mua lại của Mỹ ở Missouri. Ảnh: BLOOMBERG

Song, mặc cho những khó khăn tương tự như dự án xây dựng trang trại, khu canh tác ở nước ngoài như trường hợp công ty Wanbao, chính phủ Trung Quốc vẫn không ngừng tìm kiếm nguồn lương thực từ bên ngoài bằng cách hướng đến việc mua lại các thương hiệu thực phẩm đã được thành lập ở các nước phát triển. Nguyên nhân vì dân số Đại lục ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng đòi hỏi thực phẩm chất lượng, đa dạng. Được biết, nước này đã tiêu thụ khoảng một nửa lượng thịt heo và sữa bột trên toàn thế giới, đồng thời khoảng một phần ba đậu nành và gạo.

“Trung Quốc mới chỉ bắt đầu. Họ đang từ từ xây dựng quyền lực và chuỗi cung ứng thực phẩm của họ”, Kartini Samon, người điều hành một chương trình ở châu Á về ngũ cốc thuộc một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào quyền người nông dân ở Trung Quốc, cho hay.

Theo số liệu của Viện doanh nghiệp Mỹ và tổ chức Heritage Foundation, các công ty Đại lục đã chi gần 52 tỷ USD cho các hợp đồng nông nghiệp ở nước ngoài từ năm 2005. Các giao dịch liên quan đến ngành công nghiệp thực phẩm cũng tăng gấp bốn lần trong sáu năm qua. Nổi bật nhất trong số đó bao gồm sự kiện tập đoàn WH Group của nước này mua lại Smithfield Foods, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới, và cả thương vụ Tập đoàn Hóa chất Trung Quốc mua lại nhà sản xuất thuốc trừ sâu Syngenta AG với giá 43 tỷ USD.

Trong một tuyên bố quan trọng về chính sách nông thôn vào tháng 2/2017, Bắc Kinh cho biết họ ủng hộ các công ty trong nước đầu tư vào nông nghiệp ở nước ngoài, từ sản xuất, chế biến cho tới kho bãi và hậu cần. Đối với những trường hợp gặp khó khăn, các công ty Trung Quốc đã tìm cách đầu tư thông qua hợp tác hoặc mua các doanh nghiệp đầu nguồn như lò mổ, cơ sở chế biến thực phẩm, hoặc làm việc trực tiếp với các nhà buôn.

Với dân số và sự giàu có không ngừng gia tăng, sự xâm nhập toàn cầu của Trung Quốc vào các hoạt động kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm có thể sẽ còn tăng tốc mạnh mẽ trong thơi gian tới. Nhưng những bài học từ các dự án trang trại như của Wanbao tại Mozambique, những người nông dân nghèo khổ tại quốc gia Đông Phi vẫn đang nhìn chằm chằm vào con sông Limpopo chảy chậm về phía nhà máy lúa gạo khi họ nói “vùng đất này là tài sản lưu truyền mà chúng tôi đã nhận lại từ cha mình, nhưng chính phủ đã quyết định đưa nó cho người ngoài”, khiến nhiều người không khỏi lo lắng và tự hỏi “tinh thần trách nhiệm” mà Trung Quốc đã đảm bảo hiện đang ở đâu.

Theo Báo Thanh Niên

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness