TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 9
  • Hôm nay: 1060
  • Tháng: 11509
  • Tổng truy cập: 5144827
Chi tiết bài viết

Tư duy đất liền và tư duy biển

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Tư duy đất liền là tư duy coi đất đai là yếu tố quan trọng nhất của quốc gia. Cũng với tư duy đó, một số dân tộc hàng hải châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, … ngày xưa chiếm nhiều nước khác làm thuộc địa. Giữa thế kỷ XVI, các thuộc địa ở châu Mỹ của Tây Ban Nha có tổng diện tích 25 triệu km2, rộng gấp 50 lần chính quốc. Nước Anh từng  có các thuộc địa rộng hơn 100 lần chính quốc. Nước Mỹ sinh sau đẻ muộn tuy đất rộng nhưng vẫn chú ý bành trướng lãnh thổ: khi mới độc lập (7/1776) chỉ rộng hơn 1 triệu km2 (có hơn 4 triệu dân); ngày nay rộng 9,83 triệu km2 (324 triệu dân). Với đầu óc thực dụng “con buôn” kiểu Mỹ, họ chủ yếu bỏ tiền ra mua đất. Như năm 1803 mua của Pháp vùng Louisiana rộng 2,14 triệu km2 giá có 15 triệu USD, năm 1867 bỏ 7,2 triệu USD mua từ Nga vùng Alaska cực kỳ có giá trị chiến lược địa-chính trị rộng 1,518 triệu km2. Chủ trương này rất khôn ngoan, tuy mới đầu bị dư luận Mỹ nghi ngờ.

Về sau, khi thế giới đã hình thành cộng đồng quốc tế gồm nhiều quốc gia có chủ quyền lãnh thổ được quốc tế thừa nhận thì không thể mở rộng lãnh thổ được nữa; hành động đó bị coi là xâm lược. Nửa đầu thế kỷ XX, Nhật, Đức từng cố gắng mở rộng lãnh thổ, gây ra chiến tranh thế giới và cuối cùng bị tiêu diệt. Tiếp đó hệ thống thuộc địa tan rã, các nước đế quốc phải trả lại độc lập cho các thuộc địa. Anh, Pháp … mất hết thuộc địa; riêng Mỹ không hề mất các vùng đất đã mua được. Bấy giờ tư duy đất liền trở nên lỗi thời. Cần có một tư duy mới.

Tư duy biển là nói tư duy nhận thức biển và vùng đất ven biển là yếu tố quan trọng nhất của quốc gia về cả kinh tế và quốc phòng.

Biển chiếm 70,8% tổng diện tích bề mặt trái đất, trừ phần lãnh hải thuộc chủ quyền của các quốc gia giáp biển ra, phần còn lại là của chung toàn thế giới. Tại nước nào cũng vậy, giải đất ven biển là nơi tập trung dân ở và làm ra nhiều của cải nhất, cho nên là nơi quan trọng nhất. Vùng đặc quyền kinh tế trên biển của nước ta rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền.

Có một sự thật là loài người sống trên đất liền quá lâu, hầu hết tài nguyên đất đã bị khai thác cạn kiệt. Trong khi đó biển lại cực giàu tài nguyên như hải sản, khoáng sản (dầu khí, muối …); ngoài ra có thể dùng biển để khai thác dịch vụ giao thông hàng hải, du lịch. Các vùng biển xa vẫn còn rất nhiều nguồn tài nguyên chưa khai thác. Bởi vậy nhiều nước phát triển kinh tế theo cách lấy đại dương nuôi đất liền.

Cách đây hơn 2000 năm, triết gia cổ La Mã Cicero nói: “Ai kiểm soát biển thì người đó kiểm soát được thế giới.” Thời xưa các đế quốc phương Tây đều vượt biển xâm lược những nước nhỏ yếu phương Đông. Thời nay, tranh chấp giữa các quốc gia tập trung vào biển, đảo, nhằm mở rộng lãnh hải để khai thác tài nguyên và kiểm soát tuyến hàng hải. Các nước giáp biển đều coi việc giữ an ninh biển là nhiệm vụ chính. Biển ngày càng có giá trị quân sự hơn đất liền, vì thế các nước đềucố gắng thu xếp ổn thoả vấn đề biên giới trên đất liền để tập trung lo kiểm soát biển.

Từ bỏ tư duy đất liền, chuyển hẳn sang tư duy biển, tập trung sức người sức của phát triển kinh tế biển và vùng ven biển, xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh ngày nay đã trở thành xu thế chung của các quốc gia giáp biển.

Hầu hết các dân tộc trên lục địa châu Á đều sống chủ yếu bằng nông nghiệp, vì thế xưa kia họ coi trọng đất mà coi nhẹ biển, mạnh về tư duy đất liền mà yếu về tư duy biển; và không dễ chuyển tư duy. Do chỉ lo cày xới mảnh đất nhỏ bé của mình, tự cấp tự túc, yên phận thủ thường, không cần trao đổi hàng hoá với nước ngoài, do đó không đi xa, không giao thương trên biển, vì thế họ có sức ỳ lớn, ít cởi mở, thiếu ý thức cộng đồng, kém năng nổ, ít tính cạnh tranh và kém khả năng khám phá, ít hiểu biết về thế giới và nhân loại. Nếu họ có đánh cá biển thì cũng chỉ ở ven biển. Trong bậc thang xã hội, ngư dân bị coi thường, xếp dưới cả nông dân. Cho tới đầu thế kỷ XX, các dân tộc phương Đông chưa vượt biển để buôn bán, chỉ có những “con đường tơ lụa” trên bộ, đã không chở được nhiều hàng hóa hành khách lại cũng không đi xa nhiều nơi được.

Người Âu Mỹ từ xưa đã đặc biệt coi trọng biển và ra sức khai thác biển. Các dân tộc hàng hải ở Tây và Bắc Âu đóng thuyền vượt đại dương đi khắp nơi buôn bán, chiếm đất (hoặc cướp tài sản như người Viking Bắc Âu). Đời sống trên biển đầy hiểm nguy buộc họ phải mạo hiểm, dũng cảm, năng nổ, cởi mở, cầu tiến, có ý thức tập thể và ý thức cạnh tranh, chịu khó khám phá, phải biết thiên văn, hình học, toán học. Do luôn đi xa nên họ học được nhiều cái hay cái mới, có nhiều phát hiện khoa học kỹ thuật (KHKT) nhất là hàng hải học, sớm phát triển buôn bán đường biển để làm giàu rồi từ đó bước lên con đường công nghiệp hoá, phát triển KHKT, tăng sức mạnh kinh tế, quân sự. Văn minh phương Tây trội hơn văn minh phương Đông chính là vì thế.

Đại đế Pi-ốt (Пётр, 1672-1725) là vua Nga đầu tiên biết coi trọng biển, từng tự cải trang thành anh thợ sang Hà Lan học đóng tàu, về nước xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh rồi ra sức mở rộng lãnh thổ nhằm giành quyền thông ra biển cho nước Nga đất rộng nhưng có quá ít bờ biển và mùa đông biển đóng băng không đi lại được. Từ đó Nga trở thành cường quốc. Năm 1713 Pi-ốt chuyển kinh đô tới St. Petersburg trên bờ biển. Dân Nga gọi ông là Pi-ốt Vĩ đại (Пётр Великий, Pyotr Velikiy) thật đúng.

Tổ tiên người Việt tuy chưa quan tâm tới biển xa nhưng đã quan tâm tới biển gần. Từ xưa ngư dân Việt đã tìm đến định cư tại hầu hết các đảo ở cách đất liền không xa trong vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc ở gần Cămpuchia hơn nhưng người Việt lại định cư tại đây đầu tiên. Ngày nay Phú Quốc đang trở thành một điểm du lịch cực kỳ giá trị ở cực Nam nước ta, tương tự đảo Jeju Hàn Quốc. Đảo Bạch Long Vĩ ở giữa vịnh Bắc Bộ (cách gần đều lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc) cũng do dân tỉnh Quảng Yên đầu tiên đến ở, năm 1937 chính quyền Bảo Đại lập đồn canh phòng và xây dựng chế độ lý trưởng trên đảo. Nhờ thế Bạch Long Vĩ mặc nhiên là lãnh thổ nước ta, dù năm 1949 từng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch chiếm đóng, năm 1955 quân đội Trung Quốc cộng sản chiếm lại, nhưng sau đó phải trả cho ta vì Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 đã quy định Bạch Long Vĩ “thuộc về nước An Nam (xứ bảo hộ của Pháp)”.

Nhìn chung, toàn bộ các đảo ven biển nước ta đều có dân ta sinh sống và làm chủ từ sớm, nhờ thế ngày nay nước ta tránh được bao nhiêu rắc rối về tranh chấp biển đảo với các nước xung quanh. Ở đây không thể phủ nhận công lao to lớn của cha ông ta và của các chính quyền Việt Nam trước 1975, kể cả Việt Nam Cộng hòa. Thử tưởng tượng nếu một trong các đảo ấy thuộc quyền kiểm soát của nước ngoài thì nền độc lập của nước ta sẽ gặp rắc rối chừng nào? Hãy xem mấy hòn đảo nhỏ tý không người ở trên vùng biển giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc đang gây ra bao nhiêu va chạm có thể biến thành xung đột quân sự.

Sau khi giải phóng miền Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập tức tiếp quản một số đảo thuộc quần đảo Trường Sathuộc chủ quyền Việt Nam. Sau mấy chục năm xây dựng, các đảo này hiện nay đã có công sự kiên cố, trở thành những chiếc “tàu sân bay không thể đánh chìm” có vai trò cực kỳ quan trọng canh gác bảo vệ tổ quốc ta từ xa. Nên nhớ là rất khó chiếm hải đảo. Trong Thế chiến II, quân Mỹ thương vong nặng nhất khi đổ bộ lên các đảo của Nhật. Đảo Kim Môn nhỏ tý thuộc Đài Loan cách đại lục Trung Quốc khoảng trên chục km mà Quân Giải phóng khi đổ bộ lên đây đều bị tiêu diệt, về sau Mao Trạch Đông phải bỏ chiến dịch này.

Mặt khác, có thể thấy là do tư duy đất liền mạnh hơn tư duy biển, do chậm đổi mới tư duy nên những quyết định đúng đắn như trên còn quá ít và đưa ra khá muộn. Song dù muộn còn hơn không. Giờ đây hơn bao giờ hết, chúng ta cần trang bị cho mình tư duy biển.

Nhờ có tư duy biển nên phương Tây nhanh chóng giàu mạnh. Phương Đông đã không có tư duy biển lại chậm đổi mới tư duy, rõ ràng cần tiếp thu học thuyết sức mạnh biển.

Thuyết Sức mạnh biển

Thuyết Sức mạnh biển (hoặc Quyền lực biển, Sea Power) do Alfred Thayer Mahan (1840-1914) đề xuất năm 1890. Là sĩ quan hải quân dạy sử học ở Học viện Hải quân Mỹ, Mahan đã nghiên cứu kỹ quá trình trở thành cường quốc của Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và quá trình Anh Quốc bá chủ thế giới, từ đó ông viết cuốn Ảnh hưởng của Sức mạnh biển đối với lịch sử thời kỳ 1660-1783 (The Influence of Sea Power Upon History, 1660–1783), xuất bản năm 1890. Sách này được xếp vào số 10 binh thư có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Đây là một trong bộ ba cuốn sách ông viết về thuyết sức mạnh biển.

Mahan cho rằng các quốc gia sống bằng xuất khẩu hàng hoá thì phải kiểm soát biển, phải giành lấy và giữ được quyền kiểm soát biển, nhất là các tuyến giao thông biển huyết mạch liên quan tới lợi ích và ngoại thương của quốc gia mình –– sức mạnh biển là nhân tố chính làm cho đất nước giàu mạnh. Muốn thế, phải có hải quân và đội thương thuyền mạnh cùng một mạng lưới các căn cứ địa trên biển.

Theo Mahan, các yếu tố sức mạnh biển mà một quốc gia cần phải có gồm: 1- Vị trí địa lý thuận lợi qua biển đi ra thế giới; 2- Địa hình thuận lợi như có nhiều cảng và con sông chảy qua vùng đất màu mỡ thông ra biển; 3- Lãnh thổ có dân sống thì phân bố dọc theo bờ biển; 3- Phải có số dân tương đối đông để có thể cung cấp đủ thuỷ thủ và lao động đóng tàu;  4- Toàn dân phải có khát vọng và nhu cầu về thương mại trên biển; 5- Chính phủ phải có quyết tâm phát triển sức mạnh biển của nước mình.

Mahan đưa ra các điều kiện cơ bản để trở thành thành quốc gia kiểm soát biển: 1- Phải có hải quân, căn cứ hải quân và các tuyến giao thông trên biển không bị nước khác kiểm soát;  2- Phải có đội tàu buôn mạnh cùng các hải cảng và tuyến hàng hải, phải có buôn bán với nước ngoài. Sức mạnh biển phải thể hiện ở chỗ kiểm soát được và lợi dụng được biển; công cụ chính để khai thác biển là đội tàu buôn và hải quân, phải có lực lượng vũ trang để bảo vệ đội tàu buôn và tuyến hàng hải. Trong thời chiến, đội tàu buôn có thể chi viện hải quân tác chiến, chở vật tư, vũ khí, chở thương binh.

Sau khi phân tích từ góc độ chiến lược ảnh hưởng của các nhân tố sức mạnh biển, Mahan đề xuất chiến lược hải quân là xây dựng và tăng cường sức mạnh trên biển trong thời bình và thời chiến nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của quốc gia. Ông cho rằng phương pháp giành quyền kiểm soát biển là tác chiến trên biển và phong toả trên biển. Ông nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản tác chiến trên biển là tập trung binh lực và chủ trương nước Mỹ nên thành lập hạm đội biển xa, trước tiên để kiểm soát biển Caribe và eo biển Trung Mỹ, sau đó tiến ra các đại dương, và chủ trương hợp tác với các cường quốc khác.

Mahan nêu công thức: Sức mạnh hải quân  =  Lực lượng + Vị trí.

Hiển nhiên, lực lượng tàu chiến và vũ khí dù mạnh mà không có vị trí thuận lợi thì khó phát huy tác dụng trong tác chiến trên biển. Để có các vị trí thuận lợi, từ xưa nước Mỹ đã chiếm một số đảo dù rất nhỏ và rất xa trên đại dương để làm căn cứ địa hải quân, trong khi nhiều nước thực dân khác như Anh, Tây Ban Nha lại chỉ lo chiếm đất thật rộng. Thực tế sau này chứng tỏ suy tính của người Mỹ rất sáng suốt; nếu không có chuỗi các đảo nhỏ dùng làm căn cứ hải quân ấy, như đảo Guam, Midway, thì sao Mỹ thắng được phát xít Nhật trong chiến tranh Thái Bình Dương. Trận Midway (6/1942) Mỹ đánh chìm 3 trong số 4 tàu sân bay Nhật, đã đảo ngược thế trận cuộc chiến.  Giờ đây, khi tuyên bố “trở về châu Á”, Mỹ cũng yêu câu tôn trọng quyền tự do đi lại trên các vùng biển Thái Bình Dương nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với các nước xung quanh.

Tư tưởng sức mạnh biển của Mahan nhanh chóng được Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt chấp nhận dùng làm căn cứ lý luận xây dựng chính sách ngoại giao. Từ năm 1890, Mỹ từ bỏ tư duy đất liền, chuyển hẳn sang tư duy biển. Ngoài việc ra sức xây dựng hải quân, Mỹ còn nắm lấy việc đào và kiểm soát kênh Panama, lập căn cứ hải quân ở vùng biển Caribe, đảo Hawaii. Năm 1890, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Hải quân. Cuối thế kỷ XIX, sức mạnh hải quân Mỹ từ thứ 12 nhảy lên thứ 3 thế giới; sau Thế chiến I Mỹ mạnh nhất thế giới; sau Thế chiến II Mỹ hoàn toàn kiểm soát Thái Bình Dương. Chính phủ Mỹ từ năm 1798 lập riêng một Bộ Hải quân bên cạnh Bộ Lục quân (lập 1789); sau Thế chiến II mới lập Bộ Quốc phòng (1947) thay cho hai bộ kia. Nhờ có lực lượng hải quân mạnh nên Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu.

Tổng thống F. Roosevelt ca ngợi Mahan là một trong những nhân vật vĩ đại nhất, có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Sử gia Kennan đánh giá Mahan là nhà chiến lược quan trọng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ XIX.

Sách của Mahan được nhiều nước dịch và xuất bản, có ảnh hưởng lớn tới chính sách ngoại giao giao của các nước. Tuy là cường quốc biển số 1 hồi ấy nhưng Anh cũng rất sùng bái thuyết Sức mạnh biển của Mahan, chính phủ Anh đã áp dụng thuyết này khi lập kế hoạch mở rộng hải quân.

Hoàng đế Đức William II (kẻ gây ra Thế chiến I) và Bộ trưởng Hải quân Đức Von Tripitz đã nghiên cứu kỹ thuyết sức mạnh biển của Mahan và dốc sức phát triển hải quân đế chế Đức.

Sau khi bị hạm đội Mỹ do đô đốc Matthew Perry chỉ huy ép phải mở cửa giao thương với phương Tây (1854), chính quyền Nhật nhanh chóng hiểu rằng hải quân, chứ không phải lục quân, là lực lượng quân sự quan trọng nhất. Nhật Hoàng khôn ngoan áp dụng ngay thuyết Sức mạnh biển của Mahan, chuyển chiến lược quân sự sang xây dựng hải quân và giành quyền kiểm soát trên biển. Các học viên trường hải quân Nhật đều phải đọc sách của Mahan. Tổng trọng tải đội tàu chiến Nhật từ 15.000 tấn năm 1880 tăng lên 700.000 tấn năm 1914, mạnh thứ 7 thế giới, làm tăng rõ rệt sức mạnh của Nhật. Năm 1894 Nhật dùng hải quân tiêu diệt Hạm đội Trung Quốc, chiếm đảo Đài Loan; năm 1904 lại tấn công tiêu diệt hạm đội Đông Bắc Á của Nga. Từ thập niên 1930 Nhật đã đóng được tàu sân bay hiện đại và có nhiều tàu sân bay nhất thế giới. Các đội tàu chiến Nhật phát huy tác dụng cực lớn trong triển khai sức mạnh quân sự chiếm châu Á-Thái Bình Dương, mở đầu bằng trận đánh úp Trân Châu Cảng (7/12/1941).

Năm 2000 Trung Quốc xuất bản bản dịch cuốn Ảnh hưởng của Sức mạnh biển đối với lịch sử thời kỳ 1660-1783 củaMahan và đẩy mạnh tuyên truyền về thuyết Sức mạnh biển. Nhiều năm qua Trung Quốc giảm lục quân, tăng cường hải quân, đóng nhiều loại tàu chiến và tàu ngầm hiện đại, mới đây tự đóng cả tàu sân bay. Hiện nay họ đã có 2 tàu sân bay: Tàu Liêu Ninh chở được 26 máy bay, và tàu Sơn Đông chở được 60 máy bay. Bắc Kinh ra sức lôi kéo Myanmar để nước này cho họmở đường ra Ấn Độ Dương. Năm 2009, lần đầu tiên Trung Quốc đưa cả một hạm đội mạnh tới vùng Vịnh Aden ngoài khơi Somalia dưới danh nghĩa tham gia chống cướp biển. Thực chất việc này nằm trong chiến lược đưa hải quân Trung Quốc ra hoạt động tại đại dương. Năm 2010 họ cho tàu chiến lớn nhất là tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn 18.500 tấn tham gia hạm đội trên. Các cuộc tập trận lớn vừa qua của quân đội Trung Quốc đều là trên biển, có phối hợp không quân và vệ tinh.Gần đây họ lại có ý định lập căn cứ hải quân tại quần đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương. Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh đang đề cao thuyết sức mạnh biển và kiểu “ngoại giao tàu chiến”.

Do vướng vòng cung Hàn Quốc – Nhật – Đài Loan – Philippines nên Trung Quốc hiện nay không thể vươn ra biển lớn về phía Đông. Vì thế họ nóng lòng muốn vươn xuống phía Nam và vội vã nêu ra yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn” hòng chiếm 80% vùng biển này. Tham vọng quá đáng ấy đang gây ra các rắc rối trên Biển Đông. Chính quyền của Tống thống Trump mới đây đã nhiều lần phủ định chủ trương của Bắc Kinh muốn chiếm Biển Đông. Tình hình hiện nay càng cho thấy hơn bao giờ hết nước ta cần đẩy mạnh áp dụng tư duy biển để tăng cường phát triển sức mạnh biển của mình, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống phức tạp.

Theo Nghiên Cứu Quốc Tế

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness