TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 9
  • Hôm nay: 705
  • Tháng: 11154
  • Tổng truy cập: 5144472
Chi tiết bài viết

Vụ xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng tại Sơn Trà: Bất nhất trong chỉ đạo và xử lý?

Ngày 14-4, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chính thức có báo cáo số 96/BC-UBND, ký ngày 13-4 gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, dự án của Công ty CP Biển Tiên Sa đã triển khai tuân thủ theo đúng quy định về an ninh quốc phòng, quy hoạch đô thị, đất đai, nghĩa vụ về tài chính, đánh giá tác động môi trường, thu hồi rừng và trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, chủ đầu tư vi phạm quy định về triển khai xây dựng một số hạng mục (40 móng và trụ các biệt thự du lịch) khi chưa hoàn thành các thủ tục có liên quan, cụ thể là về công tác đánh giá tác động môi trường.

Một góc dự án xây dựng khu du lịch sinh thải Biển Tiên Sa. Ảnh: Nguyên Khôi

Để khắc phục sai phạm này, hiện Công ty CP Biển Tiên Sa triển khai thực hiện theo ý kiến kết luận của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Đà Nẵng để thẩm định, trình phê duyệt đánh giá báo cáo tác động môi trường mà chủ đầu tư nộp ngày 5-4-2017 và ngày trả kết quả là ngày 9-5-2017. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về thỏa thuận phương án kiến trúc các hạng mục công trình; thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công trước khi nộp hồ sơ để Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cấp phép theo quy định.
 
Cũng trong báo cáo này, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo UBND quận Sơn Trà lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công vào ngày 18-3-2017, sau đó xử phạt 40 triệu đồng theo Nghị định số 121/2013 của Chính phủ. Hiện chủ đầu tư đã nghiêm túc thực hiện việc ngừng thi công, nộp tiền phạt, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn tất các thủ tục về đầu tư xây dựng trước khi UBND thành phố Đà Nẵng xem xét cho phép tiếp tục triển khai dự án.

Mặc dù chưa được cấp phép nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng 40 phần móng biệt thự trên núi Sơn Trà. Ảnh: Nguyên Khôi

Hiện nay, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các hạng mục xây dựng khi chưa được cấp phép sẽ được xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 180/2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự đô thị.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng, trường hợp chủ đầu tư ngừng thi công theo biên bản nêu trên, đồng thời hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng thì Sở Xây dựng xem xét cấp phép theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công theo biên bản nêu trên, UBND quận Sơn Trà chỉ đạo UBND phường Thọ Quang ban hành quyết định đình chỉ thi công. Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày đình chỉ thi công, chủ đầu tư không xuất trình được giấp phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ theo quy định.

Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND thành phố hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý có liên quan để triển khai dự án theo quy định pháp luật hiện hành.

Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đi kiểm tra hiện trường - nơi xây dựng trái phép ở núi Sơn Trà. Ảnh: Nguyên Khôi

Tuy nhiên, sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ đạo, xử lý Công ty CP biển Tiên Sa xây dựng 40 bộ nền móng, trụ biệt thự trên núi Sơn Trà của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng là khập khiễng và bất nhất.

Bởi lẽ, trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Đà Nẵng họp và đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố Đà Nẵng, các ngành chức năng, địa phương liên quan "yêu cầu chủ đầu tư xây dựng công trình trên Sơn Trà dừng ngay việc thi công; xử lý, tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật".

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan "tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc chỉ đạo rà soát các thủ tục pháp lý liên quan đến việc triển khai dự án, đặc biệt lưu ý các yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh và cảnh quan môi trường sinh thái tại khu vực theo quy định của pháp luật; đồng thời nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2050 (theo Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 09-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển Kinh tế - Xã hội gắn với quốc phòng an ninh, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái tại khu vực bán đảo Sơn Trà".

Hệ sinh thái tự nhiên của Sơn Trà rất đa dạng, đặc biệt đây là "ngôi nhà" của loài nữ hoàng linh trưởng - Vọoc Chà Vá chân nâu quý hiếm. Ảnh: Lê Phước Chín

Cũng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy đối với Ban Cán sự UBND thành phố Đà Nẵng là "... kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những dự án ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cảnh quan môi trường; đối với những dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh, hài hòa với cảnh quan môi trường thì công khai cho dư luận biết để tạo sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện".

Đứng trên khu du lịch sinh thải biển Tiên Sa có thể nhìn thấy rõ cảng quân sự của Vùng 3 Hải quân và Cảng Tiên Sa. Ảnh: Nguyên Khôi

Xâu chuỗi chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và đề xuất xử lý của UBND thành phố Đà Nẵng lên Thủ tướng Chính phủ sẽ khiến người dân nghĩ có sự bất nhất trong chỉ đạo và xử lý vụ việc(?!).

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt vấn đề: Tại sao một doanh nghiệp xây dựng 40 bộ nền móng, cột biệt thự bằng bê tông cốt thép trên núi Sơn Trà khi chưa có giấy phép chỉ bị phạt 40 triệu đồng, trong khi đó, Tổ hợp khách sạn và căn hộ Central Coast xây dựng 10 tầng khi chưa có giấy phép lại bị phạt 1 tỷ đồng?

Tương tự, biệt thự của Thiếu tướng Phan Như Thạch xây dựng trái phép trên núi Hải Vân bị đập bỏ, trong khi cạnh đó, một khu biệt phủ rộng gấp nhiều lần cũng xây dựng trái phép đến nay vẫn còn tồn tại?

Việc các doanh nghiệp xây dựng công trình cả nghìn tỷ đồng tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua chưa có giấy phép khiến người dân hết sức bức xúc. Bởi lẽ, người dân xây dựng 1 căn nhà chỉ chừng vài chục mét vuông mà chưa có giấy phép thì ngay lập tức bị xử lý, đập bỏ, trong khi đó, công trình xây dựng trên diện tích lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần thì xử lý theo kiểu "xử phạt rồi cho tồn tại"(?!).

NGUYÊN KHÔI

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness